Những tin tức đặc biệt nhưng dễ bị bỏ qua năm 2021

- Thứ Ba, 21/12/2021, 06:23 - Chia sẻ
Bất chấp màu sắc u ám của bức tranh thế giới liên quan đến Covid-19 trong năm qua, vẫn còn những tin tức tích cực giống như những đốm sáng nhưng dễ dàng bị nhấn chìm vì mối bận tâm liên quan đến dịch bệnh.
Nguồn: AFP

Vaccine sốt rét được triển khai

Vào ngày 6.10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bật đèn xanh cho việc triển khai vaccine sốt rét mà các chuyên gia cho rằng có khả năng cứu sống hàng chục nghìn trẻ em khắp châu Phi mỗi năm.

Được phát triển bởi tập đoàn dược phẩm khổng lồ GlaxoSmithKline (GSK) có trụ sở tại Vương quốc Anh, vaccine RTS, S, còn được gọi là Mosquirix, là vaccine đầu tiên được phát triển cho bệnh sốt rét và bệnh ký sinh trùng. WHO cho biết, việc chấp thuận sử dụng rộng rãi loại vaccine này “dựa trên kết quả chương trình thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Ghana, Kenya và Malawi, với hơn 800.000 trẻ em kể từ năm 2019”. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, quyết định này là “dấu mốc lịch sử” đối với “khoa học, sức khỏe trẻ em và kiểm soát bệnh sốt rét”.

Bãi bỏ loại “thuế phân biệt giới tính”

Cái gọi là thuế đánh vào băng vệ sinh của Vương quốc Anh - một loạt thuế suất VAT lên đến 5% đối với các sản phẩm vệ sinh - đã được bãi bỏ từ ngày 1.1.2021.

Hoan nghênh việc thay đổi các quy định về thuế GTGT đối với mặt hàng này, bà Felicia Willow, Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện vì quyền phụ nữ thuộc Hiệp hội Fawcett cho biết: “Cả một chặng đường dài để đạt được kết quả này. Cuối cùng, loại thuế phân biệt giới tính, từng xếp các sản phẩm vệ sinh vào hàng hóa xa xỉ, không thiết yếu, đã bị bãi bỏ. Thời điểm này có thể được lưu danh sử sách”.

Khoảnh khắc lịch sử lấy mẫu đá trên sao Hỏa

Nguồn: Getty Images

Tạp chí Nature cho biết, Robot tự hành Perseverance của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã khoan một tảng đá sao Hỏa hôm 2.9, và thành công lấy được mẫu vật lõi nguyên vẹn để mang về Trái Đất trong tương lai. Đây là mảnh đá sao Hỏa đầu tiên “được mang trở lại Trái đất để nghiên cứu” sau hai lần thu thập mẫu vật thất bại trước đó. Các nhà khoa học hy vọng rằng bằng cách đưa “một mẩu” của Hành tinh Đỏ trở lại Trái Đất, các nhà khoa học có thể “hiểu sâu hơn tiềm năng sự sống trên sao Hỏa”.

Một huy chương vàng Olympics cho hai vận động viên

Tại Thế vận hội Olympics Tokyo vào tháng 8.2021, vận động viên Gianmarco Tamberi của Italy và Mutaz Barshim của Qatar đã được yêu cầu cùng bước lên bục cao nhất sau khi kết thúc ở nội dung nhảy cao nam. Hai vận động viên có cùng thành tích khi đó đã được đề nghị phân cao thấp thêm một lần nữa để quyết định người chiến thắng, nhưng Barshim hỏi liệu họ có thể cùng chia sẻ chiếc huy chương vàng này hay không. Mô tả Tamberi là “một trong những người bạn tốt nhất”, Barshim nói: “Đây là giấc mơ trở thành hiện thực; là tinh thần thể thao thực sự, và chúng tôi đang ở đây để truyền tải thông điệp này”.

Theo The Independent, chiến thắng chung của họ đánh dấu "lần đầu tiên kể từ năm 1912, một huy chương vàng Olympics được hai người cùng nắm giữ trong môn điền kinh".

Thuốc điều trị bệnh tim làm "thay đổi cuộc chơi"

Những bệnh nhân có mức cholesterol cao, những người bị đau tim, đột quỵ, đặc biệt là những người không đáp ứng với thuốc giảm cholesterol ở Anh mới đây đã có thêm một lựa chọn điều trị mới sau khi cơ quan y tế nước này phê duyệt một loại thuốc có tên là inclisiran sản xuất bởi hãng dược phẩm Novatis. Đây được cho là một loại thuốc sẽ "làm thay đổi cuộc chơi" trong lĩnh vực điều trị mỡ máu, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Loại thuốc này là một mũi tiêm sử dụng công nghệ gene dựa trên RNA. Khi đi vào cơ thể, nó sẽ tác động trực tiếp để làm tắt một gene có tên là PCSK9, giúp hạ nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu.

Khác với các loại thuốc hạ mỡ máu khác cần uống hàng ngày, bệnh nhân sử dụng inclisiran chỉ cần tiêm 2 mũi mỗi năm. Mỗi mũi tiêm này hiện có giá khoảng 2.000 Bảng tương đương hơn 60 triệu VNĐ.

Cơ quan Y tế Anh ước tính sẽ có ít nhất 300.000 bệnh nhân nước này sử dụng các mũi tiêm inclisiran hàng năm. Khoảng 30.000 người sẽ được cứu sống nhờ tác dụng phòng ngừa đau tim và đột quỵ.

Nghỉ phép sau sẩy thai được chấp thuận ở New Zealand

Vào tháng 3.2021, Quốc hội New Zealand đã bỏ phiếu chấp thuận cho phụ nữ (và bạn đời của họ) được nghỉ 3 ngày sau khi bị sẩy thai, The Guardian đưa tin. Nghị sĩ Công đảng Ginny Andersen, người soạn thảo dự luật, cho biết mục đích là “giúp phụ nữ tự tin để có thể yêu cầu nghỉ việc nếu cần thiết, thay vì phải gồng lên chịu đựng và tiếp tục cuộc sống, khi họ biết rằng họ cần thời gian để phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần”.

Tỷ lệ ung thư cổ tử cung giảm 90%

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào đầu tháng 11 cho biết, tỷ lệ ung thư cổ tử cung giảm gần 90% ở những phụ nữ được tiêm chủng ngừa virus gây u nhú ở người (HPV) khi còn là thanh niên, thiếu niên.

Theo nghiên cứu trên, “có khoảng 5 trường hợp ung thư cổ tử cung mỗi năm ở những phụ nữ được tiêm vaccine trong độ tuổi từ 12 - 13”, trang tin cho biết. Để so sánh, trước khi máy bay đâm lần đầu tiên được triển khai vào năm 2008, đã có khoảng 50 vụ mỗi năm.

Giáo sư Peter Sasieni của Đại học King's College London, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Thật khó tin khi thấy tác động của việc tiêm phòng HPV và giờ đây chúng tôi có thể chứng minh rằng nó giúp hàng trăm phụ nữ tránh được nguy cơ ung thư”.

Ngôi sao bóng đá nam đồng tính đầu tiên công khai

Vào cuối tháng 10.2021, cầu thủ của Adelaide United, Josh Cavallo đã trở thành “cầu thủ bóng đá nam chuyên nghiệp hàng đầu duy nhất trên thế giới” công khai mình là người đồng tính, theo BBC.

Trong một video được câu lạc bộ của anh ấy chia sẻ trên Twitter, Josh Cavallo nói: “Tôi là một cầu thủ bóng đá và tôi là người đồng tính. Tất cả những gì tôi muốn làm là chơi bóng và được đối xử bình đẳng”. Tiền vệ người Australia, 21 tuổi, tâm sự “cuối cùng tôi cũng cảm thấy thoải mái khi nói về cuộc đời mình”.

Trong bối cảnh quyết định công khai của cầu thủ người Australia nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới, Stonewall FC - đội bóng hàng đầu dành cho những người đồng tính của Anh, nói rằng câu chuyện của Cavallo là “một dấu hiệu của sự tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng cho người đồng tính”, nhưng “còn nhiều việc phải làm để những người như Josh có thể cởi mở và tự do là chính mình”.

Bước tiến của hôn nhân đồng giới

Ngày 7.12, Chile đã thông qua một đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại quốc gia Công giáo lịch sử. BBC cho biết đạo luật này đã được Quốc hội Chile “chấp thuận hoàn toàn” và cũng cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi. Trước đó, khoảng 30 quốc gia đã có bước đi tương tự.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ hơn hai tháng sau khi công chúng Thụy Sĩ ủng hộ sáng kiến ​​“Hôn nhân cho tất cả” với tỷ lệ ủng hộ khá áp đảo (gần 70%), điều mà Reuters  mô tả là một "cuộc trưng cầu dân ý mang tính đột phá” ở “một trong những quốc gia cuối cùng của Tây Âu hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính”. Các cặp đôi đồng giới sẽ có thể kết hôn ở Thụy Sĩ từ ngày 1.7.2022.

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản, nơi có dân số khoảng 14 triệu người, cũng đã công bố kế hoạch cho phép hôn nhân đồng giới trong thành phố bắt đầu từ tháng 4 năm sau.

Đạt Quốc
Theo The week