Mekong - dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua 6 quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo của các nước Đông Nam Á lục địa. Trong cuộc đại hành trình của mình, lòng sông đã bồi lắng một lớp phù sa màu mỡ, chứa đựng bên dưới nó tầng tầng trầm tích về lịch sử, văn hóa…
Cuộc trò chuyện “Chuyến đi trên vết bùn - Tìm Cửu Long trong tim mỗi người” của tác giả Khải Đơn cùng GS. Chung Hoàng Chương là một cuộc tìm kiếm, nhìn nhận lại những vấn đề của Mekong được nêu lên trong suốt chiều dài lịch sử của nó, khởi phát từ góc độ những người viết tò mò về hệ sinh thái dòng sông Mekong, sự chuyển mình của khí hậu và những thay đổi mà người đồng bằng đang chứng kiến và tìm cách thích nghi.
Qua việc giới thiệu nội dung ba tác phẩm: “Mekong phù sa phiêu bạt”, “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” và “Đầm lầy”, hai vị khách mời sẽ lần lượt tìm về những tiếng nói bên dòng Mekong từ quá khứ đến hiện tại, từ đó mở ra một viễn kiến cho tương lai, giúp độc giả phần nào rõ hơn thực trạng lâm nguy của dòng sông mẹ.
Buổi giao lưu sẽ có sự góp mặt của nhiều giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực sinh thái học, văn hóa, xã hội cùng những độc giả có mối lo chung về môi trường, quan tâm tới các vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và những tác động của con người đến khủng hoảng sinh thái nói chung.
Khải Đơn từng tốt nghiệp Thạc sĩ viết ngành phi hư cấu và thơ, Đại học San Jose State University, là tác giả cuốn "Mekong phù sa phiêu bạt".
GS. Chung Hoàng Chương là nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers. Ông từng là giảng viên Khoa Á Mỹ học, Đại học tiểu bang San Francisco, Mỹ.
Chương trình giao lưu “Chuyến đi trên vết bùn - Tìm Cửu Long trong tim mỗi người” sẽ diễn ra từ 9 - 11 giờ ngày 13.1, tại Sân khấu A - Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Bến Nghé, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.