Những sắc áo vô ưu

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:40 - Chia sẻ
Trong những ngày đại dịch cao điểm, cả nước có gần 2.000 tăng ni, cư sĩ, Phật tử, tu sĩ... tham gia tuyến đầu chống dịch. Sắc áo nâu, lam, vàng, trắng, đỏ đến từ Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành… đã trở nên quen thuộc tại các bệnh viện dã chiến để chăm sóc người bệnh, hỗ trợ công tác hậu cần hay đến các khu phố phong tỏa để cung cấp lương thực, thực phẩm, giúp người dân vượt qua cơn bĩ cực.
	Siêu thị 0 đồng lưu động
Siêu thị 0 đồng lưu động

Với tâm niệm “phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật", tại Bệnh viện dã chiến số 10, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, gần 50 nữ tăng ni, Phật tử đã tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Bệnh viện bày tỏ sự khâm phục đối với những tình nguyện viên đặc biệt này, bởi trong những ngày cao điểm, bệnh viện điều trị hơn 3.000 bệnh nhân mà chỉ có 15 bác sĩ và hơn 70 điều dưỡng cùng 50 nhân viên phục vụ. “Nhờ có sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, trong đó các tín đồ tôn giáo có ý nghĩa đặc biệt, thậm chí góp phần giúp nhiều bệnh nhân giải tỏa tâm lý nặng nề, tiêu cực khi mắc bệnh” - bác sĩ Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh.  

Hình ảnh đẹp nhất, thanh khiết nhất mà lòng tôi rưng rưng ấy là khi những thành viên của đội hậu sự Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 gồm ni sư Minh Hiển (đến từ chùa Bửu Long, TP. Hồ Chí Minh) và bốn tu sĩ Công giáo là thầy Lương Thanh Tùng, thầy Bùi Văn Pháp, sơ Duyên Anh, sơ Hồng Nhiên cùng nhau thu dọn rác thải của Bệnh viện. Đội hậu sự được thành lập khi có nhiều bệnh nhân trở nặng, diễn biến xấu mà không thể chuyển lên tuyến trên nên Bệnh viện vừa tăng cường y bác sĩ nỗ lực điều trị cho bệnh nhân vừa phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Khi bệnh nhân đi nốt chặng cuối đời mình, thành viên đội hậu sự sẽ có mặt bên cạnh họ để an ủi, đọc kinh siêu độ, rửa tội và tổ chức khâm liệm. Nhưng thật may, đội hậu sự thường xuyên “thất nghiệp”, nên họ tham gia phát cơm cho bệnh nhân và dọn rác, khuân vất hàng hóa, vật dụng y tế giúp Bệnh viện.

	Ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tặng quà cán bộ, chiến sĩ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 1, Đồn Biên phòng Ninh Điền - Ảnh Lê Quân
Ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tặng quà cán bộ, chiến sĩ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 1, Đồn Biên phòng Ninh Điền
Ảnh Lê Quân

Ni sư Minh Hiển cho biết, ban đầu, sư đăng ký chăm sóc bệnh nhân, song khi vào thực tế công việc, sư nhận thấy việc đó phải có chuyên môn. “Mình không có chuyên môn, mình dọn rác cũng là gián tiếp chăm sóc bệnh nhân. Hàng ngày mình thường đi cùng hai tu sĩ Công giáo để làm việc, các anh rất thân thiện, như anh em với nhau, không có gì phân biệt”.

Thầy Lương Thanh Tùng thì tâm tư hơn: “Ở bệnh viện này, bệnh nhân nặng là được chuyển lên tuyến trên. Nhưng ở một số bệnh viện khác, có nhiều người chết mà mình không giúp được họ. Mình không mong có ai chết đâu, nhưng nghĩ cảnh bệnh nhân ra đi một mình đơn độc, xót xa lắm. Mình ước ao giá như được ở gần họ lúc đó, đồng hành với họ trong giây phút cuối cùng. Mình thấy tội và muốn giúp họ, nhất là người già thường rất sợ hãi trong thời khắc đó”. 

100 ngày gian khó của miền Nam, không nhà thờ, nhà chùa, thánh thất… nào không mở rộng tấm lòng từ bi, bác ái, thương dân của mình, chìa tay yêu thương, giúp đỡ tất thảy, không phân biệt đồng đạo với mình hay không, chỉ biết đó là đồng bào của mình, đồng lòng hoằng dương Phật pháp, tôn vinh Thiên chúa để cứu độ hàng vạn người. Thầy Thích Nhuận Tâm ở chùa Lá, quận Gò Vấp và Phật tử của mình đã gửi hàng nghìn tấn rau củ quả đến các khu cách ly, phong tỏa, bếp ăn tập thể. Phiên chợ lưu động 0 đồng của nhà chùa vẫn mở cho đến ngày hôm nay. Cũng chừng ấy thời gian, từ tảng sáng đến khuya, hàng chục nữ tu dòng Đaminh Rosa Lima tự khuân vác hàng tấn gạo, mì, rau củ quả, sữa… đến bà con các khu phố nghèo. Rồi cha xứ Mẫu Tâm, giáo phận Lăng Cha Cả và cộng đoàn dân Chúa của mình tất tả suốt 100 ngày lo cho người nghèo ấm bụng.

	Linh mục Giuse Tạ Duy Tuyền, Chánh xứ Giáo xứ Tân Bắc, Giáo phận Xuân Lộc, tặng trứng gà đến chương trình thiện nguyện của Giáo xứ Phú Hạnh
Linh mục Giuse Tạ Duy Tuyền, Chánh xứ Giáo xứ Tân Bắc, Giáo phận Xuân Lộc, tặng trứng gà đến chương trình thiện nguyện của Giáo xứ Phú Hạnh

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tổ chức tôn giáo, tính đến ngày 30.9, các tôn giáo đã tích cực vận động, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hội thánh Cao đài Tây Ninh, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Việt Nam… đã ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, đề nghị các cơ sở tôn giáo trực thuộc thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tôn giáo đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc của các tôn giáo Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 với những thiệt hại tàn khốc của nó đang dần qua, song sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức tôn giáo chính là kết tinh của quá trình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Các tôn giáo đã thể hiện trách nhiệm xã hội, tình yêu nước và phát huy tối đa vai trò tín đồ tôn giáo để thực hiện trọn vẹn tinh thần phụng sự dân tộc.

Phạm Vân Anh