Những điều ước dung dị...

- Thứ Hai, 16/11/2020, 21:03 - Chia sẻ
Họ có ước mơ, có hoài bão. Họ đã cống hiến, hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp "trồng người". Họ không mong ước cho bản thân mà chỉ mong ước các trường, điểm trường đều có điện, sóng điện thoại, học sinh được ăn trưa, đủ sách vở, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh… để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em học sinh.

Họ là 63 thầy cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc các huyện khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được tuyên dương tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020... Rất khó để có thể đo đếm được những khó khăn, vất vả, những hy sinh của các thầy cô. Như tâm sự của các thầy cô tại chương trình thì đó có thể là việc phải đi từng nhà vận động học sinh đến trường, làm sao lo cho các cháu được ăn trưa tại lớp hay nhiều điểm trường còn chưa có điện, không có sóng điện thoại, nhà vệ sinh, nước sạch… Nhưng vì học sinh thân yêu, các thầy cô đều nỗ lực vượt mọi khó khăn, vượt qua chính mình để bám thôn, bám bản, đem con chữ đến vùng khó khăn, xa xôi.

Qua 5 năm triển khai, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tuyên dương 279 giáo viên bám bản tiêu biểu, đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Năm nay, chương trình tổ chức tuyên dương 63 thầy cô người dân tộc thiểu số đã không quản ngại điều kiện công tác khó khăn, gian khổ, quyết tâm mang con chữ đến với học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hiểu - cảm thông - chia sẻ với những khó khăn của các thầy cô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, phát triển giáo dục thì đất nước mới phát triển. Đảng, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục - đào tạo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng diện chính sách.

Về những “điều ước” được các thầy cô nhắc đến nhiều nhất, Phó Thủ tướng mong muốn thời gian tới sẽ có phong trào “5 điều ước” để kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ thiết thực cho các điểm trường còn khó khăn, thiếu thốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là các trường, điểm trường chưa có điện sẽ có điện, dù là điện lưới hay điện mặt trời. Được phủ sóng điện thoại để tạo điều kiện cho các thầy cô sử dụng, cập nhật bài giảng, kiến thức giảng dạy mới. Hỗ trợ học sinh ở các điểm trường xa có bữa ăn trưa. Có đủ sách vở, đồ dùng dạy học, nhất là bằng tiếng dân tộc và xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Đây là những "điều ước" rất dung dị nhưng sẽ khó thành thành hiện thực nếu không có sự quan tâm của các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của toàn xã hội.

 

Khương Ninh