Nghị định số 125/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21.4.2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 4.10.2018).
Tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP đã bổ sung quy định về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục công nhận đại học vùng, đại học quốc gia.
Theo đó, Điều 104 Nghị định số 125/2024/NĐ-CP quy định 3 nhóm điều kiện để công nhận đại học vùng, đại học quốc gia.
Thứ nhất, đại học và các trường đại học thành viên (nếu có) đạt tất cả các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đối với cơ sở đào tạo tiến sĩ và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thứ hai, đang đào tạo tới trình độ tiến sĩ các ngành thuộc đủ các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê, Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Nhân văn, Kinh doanh và quản lý.
Thứ ba, có đề án phát triển thành đại học vùng, đại học quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, quy hoạch vùng.
Nội dung đề án cần nêu rõ: sự cần thiết phát triển thành đại học vùng, đại học quốc gia; mục tiêu phát triển thành đại học vùng, đại học quốc gia; các chỉ tiêu cần đạt để đại học có đủ năng lực thực hiện vai trò, sứ mệnh của đại học vùng, đại học quốc gia; các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực và lộ trình thực hiện đề án để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức góp ý, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc bổ sung quy định công nhận đại học vùng, đại học quốc gia vào Nghị định số 125/2024/NĐ-CP nhằm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, cũng như để phù hợp với vai trò, vị trí, chức năng của đại học vùng, đại học quốc gia; hình thành đại học vùng, đại học quốc gia trên cơ sở công nhận đại học thành đại học vùng hoặc đại học quốc gia (các đại học này đã được thành lập và đang hoạt động theo quy định, nên việc đặt ra vấn đề thành lập lại là không phù hợp).
Việc hình thành đại học vùng, đại học quốc gia theo hướng này nhằm tận dụng những nguồn lực, thành tựu và ưu thế sẵn có của đại học, để bảo đảm ngay sau khi được hình thành thì đại học vùng, đại học quốc gia có đủ điều kiện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh được giao.
Theo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (trừ các trường thuộc Bộ Công an, Quốc phòng, các trường cao đẳng sư phạm) của Bộ GD-ĐT, dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng.
Trong đó, có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia; 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Tới năm 2030, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến trở thành đại học quốc gia. Cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cả nước sẽ có 5 đại học quốc gia. Các cơ sở đào tạo này sẽ có quyền tự chủ cao hơn các mô hình còn lại, có sứ mệnh dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu là nhóm các đại học này sẽ thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Cũng theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, tới năm 2030, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ sẽ trở thành đại học vùng. Cùng với Đại học Thái Nguyên hiện nay, cả nước dự kiến sẽ có 5 đại học vùng.