Bức thư gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An
Nhân dịp đầu năm mới - 2006, chúng tôi đến thăm nhà báo Nguyễn Ngọc Thọ, Tổng Biên tập đầu tiên của tạp chí Người đại biểu Nhân dân (1988 - 1996), tiền thân của Báo Đại biểu Nhân dân hôm nay. Trong không khí Xuân Bính Tuất, thầy và trò ôn lại những gian khó buổi đầu của tạp chí Người Đại biểu Nhân dân. Mắt ông rực sáng và nói với chúng tôi: từ khi nghỉ hưu (1997), ông vẫn đọc đầy đủ các số tạp chí và báo Người Đại biểu Nhân dân đã xuất bản. Ông muốn có mấy dòng bày tỏ niềm vui và trình bày với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An một vài suy nghĩ về bước đường đi tới của tờ báo Người Đại biểu Nhân dân.
Những giây phút bên ông - người thầy của các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, viên chức và người lao động báo Đại biểu Nhân dân qua các thời kỳ (năm đó ông 75 tuổi) - chúng tôi hiểu đó là tấm lòng ưu ái, máu thịt dành cho tờ báo. Ông cho rằng, từ khi trở thành nhật báo, về thực chất Báo Người Đại biểu Nhân dân đã được nâng cấp chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, nhà nước lên tầm cao rộng hơn. Với suy nghĩ phải đặt vị thế tờ báo tiếng nói của cơ quan dân cử đúng tầm, hợp lý, tương quan với các phương tiện thông tin tuyên truyền khác, ông nêu vấn đề đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao cho tờ báo thêm một số chức năng, nhiệm vụ mới, giao cho Văn phòng Quốc hội (thừa ủy quyền) quản lý tờ báo về mọi mặt (giống như một Tổng cục chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản là một Bộ).
Chúng tôi đón nhận bức thư của nhà báo Nguyễn Ngọc Thọ và chuyển tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Đọc thư, ngày 6.2.2006, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã bút phê, giao Tổng Biên tập báo Người Đại biểu Nhân dân Hồ Anh Tài nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Ngày 16.2.2006, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ghi thư gửi Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh, đính kèm bức thư của nhà báo Nguyễn Ngọc Thọ, giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu nội dung thư và đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sự đồng thuận của các cơ quan của Đảng và Chính phủ
Từ tháng 1.2009, để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Đề án nâng cấp và đổi tên báo Người Đại biểu Nhân dân thành báo Đại biểu Nhân dân, Văn phòng Quốc hội đã gửi công văn tới Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam xin ý kiến về Đề án.
Tất cả các cơ quan trên đều tán thành chủ trương chuyển Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân. Các cơ quan cho rằng: việc nâng cấp tờ báo thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc chuyển đổi nâng cấp tờ báo là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan coi đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng đoàn Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội. Sự việc này sẽ tạo điều kiện để báo Người Đại biểu Nhân dân thực hiện đúng vai trò tiếng nói của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân.
Sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Trong bộn bề công việc điều hành đất nước, ngày 8.7.2009, Ban Bí thư đã nghe Đảng đoàn Quốc hội báo cáo và nghe ý kiến của các cơ quan về việc nâng cấp, đổi tên báo Người Đại biểu Nhân dân thành báo Đại biểu Nhân dân.
Tại phiên họp này, Ban Bí thư đã có ý kiến: “Cơ bản đồng ý ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội về việc nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân nhằm nâng tầm vóc, quy mô và bổ sung chức năng nhiệm vụ của tờ báo trực tiếp phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân”.
Đây là sự quan tâm đặc biệt của Ban Bí thư, của Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Báo Người Đại biểu Nhân dân.
Thời điểm lịch sử ra đời tờ nhật báo loại 1
Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Khóa XII, lúc 15 giờ 15 phút ngày 25.2.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã kết luận nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân thành báo Đại biểu Nhân dân. Ngày 27.8.2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết 816/2009/UBTVQH12 về việc nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu Nhân dân - báo loại 1 (tương đương cấp Tổng cục). 9 giờ 27 phút ngày 16.10.2009, tại phòng làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ký duyệt măng sét báo Đại biểu Nhân dân.
Đây là một vinh dự lớn, trách nhiệm cao của báo Đại biểu Nhân dân, cũng là một mốc lịch sử đối với làng báo chí Việt Nam. Lịch sử báo chí Việt Nam trước ngày 26.8.2009 chưa có tờ báo in nhật báo loại 1. Để phục vụ yêu cầu đổi mới trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định nâng cấp Báo Người Đại biểu Nhân dân, tờ nhật báo loại 2 (tương đương cấp Vụ) thành tờ nhật báo loại 1 (tương đương cấp Tổng cục). Bằng hoạt động thực tiễn của mình, báo Người Đại biểu Nhân dân đã đóng góp cho lý luận xây dựng và phát triển báo chí Việt Nam một cấp độ tổ chức mới - tờ báo in nhật báo loại 1.
Tạo diện mạo khối báo chí Quốc hội
Thông qua nội dung các ấn phẩm xuất bản, báo Đại biểu Nhân dân đã tạo nên diện mạo khối báo chí Quốc hội trong làng báo Việt Nam. Đại biểu Nhân dân là hạt nhân kết nối các ấn phẩm báo chí: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Thông tin hoạt động Quốc hội, Thông tin Dân nguyện và Thông tin hoạt động Hội đồng Nhân dân của các tỉnh, thành trong cả nước. Từ năm 2016, tại Hội báo toàn quốc, bên cạnh khu trưng bày khối báo chí của Đảng, có khu trưng bày khối báo chí Quốc hội.
Bạn đọc cả nước đón nhận các ấn phẩm khối báo chí Quốc hội một cách trân trọng. Ở đó, những ấn phẩm thông tin kịp thời đầy đủ các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Khối báo chí Quốc hội giữ vai trò cầu nối truyền tải tâm tư nguyện vọng của người dân đến cơ quan dân cử.
Mười năm qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã từng bước hoàn thiện quy mô, tầm vóc của báo loại 1 theo Nghị quyết 816/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời tạo dấu ấn trong mô hình báo chí - tờ báo in nhật báo loại 1 xuất bản song song với báo điện tử phát hành tới các đại biểu dân cử, chính quyền địa phương các cấp và cử tri trong cả nước.