Chú trọng chăm sóc sức khỏe toàn diện
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2024, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tại tỉnh đã giảm so với năm trước. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên cũng triển khai dịch vụ sàng lọc sơ sinh, nhằm giúp phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh và các rối loạn chuyển hóa ở trẻ em.
Vai trò của các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu trong việc phát hiện và can thiệp sớm các bệnh lý tiềm ẩn ở trẻ em. Bệnh viện A Thái Nguyên được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình sàng lọc này, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện sàng lọc cho ít nhất 90% trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh.
Công tác dân số không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát và điều chỉnh mức sinh mà còn mở rộng ra việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, từ sức khỏe tiền hôn nhân đến sức khỏe của người cao tuổi.
Theo đó, nhằm cải thiện và chăm sóc dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, năm 2024, Sở Y tế cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức 33 lớp tập huấn nâng cao năng lực, nói chuyện chuyên đề cho 1.835 cán bộ tuyến cơ sở, y tế trường học, y tế thôn bản trên địa bàn các huyện Phú Lương, Đại Từ, TP. Thái Nguyên, Định Hóa, TP. Sông Công. Sở cũng phối hợp với huyện Đại Từ và TP. Phổ Yên tổ chức 49 cuộc nói chuyện chuyên đề về tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ cho 2.495 bà mẹ và người chăm sóc trẻ.
Đối với người cao tuổi, ngành y tế tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Mục tiêu là giúp cho người cao tuổi có thể duy trì được sức khỏe tốt, giảm thiểu bệnh tật và sống một cuộc sống chất lượng hơn.
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chương trình khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, với hàng chục nghìn người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí tại các trạm y tế xã phường. Tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường đã giảm nhờ vào các chương trình chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Phát huy vai trò của cộng tác viên dân số
Tuy nhiên, mức sinh tại các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh còn chênh lệch đáng kể. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nạn tảo hôn ở các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số như huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai vẫn là bài toán khó. Đáng chú ý, nhận thức của người dân về các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát bệnh tật trước sinh còn hạn chế.
Để giải quyết những vấn đề này, ngành dân số Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Các chương trình truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức người dân được đẩy mạnh. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ mạng lưới cộng tác viên dân số - lực lượng nòng cốt tại cơ sở, cũng được chú trọng.
Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, công tác dân số không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, mà còn là sự tham gia tích cực của các cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện các chính sách về dân số, sức khỏe sinh sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại tỉnh Thái Nguyên, cộng tác viên dân số đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc triển khai các chương trình dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Với hơn 2.000 cộng tác viên dân số đang hoạt động tại hầu hết các thôn, xóm; họ đã tuyên truyền, vận động, trực tiếp theo dõi và hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản.
Anh Đặng Tiến Hùng, cộng tác viên dân số tại xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ) chia sẻ rằng, việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn do người dân không thông thạo tiếng phổ thông, còn giữ nhiều phong tục tập quán cũ. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp của chính quyền địa phương và các đoàn thể; thông qua các buổi họp xóm, sinh hoạt, anh đã có cơ hội truyền tải thông điệp về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Công việc của các cộng tác viên không chỉ là tuyên truyền mà còn là giúp người dân giải quyết các vấn đề thực tế trong cuộc sống; không chỉ đưa ra lời khuyên về kế hoạch hóa gia đình, mà còn giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là sàng lọc sơ sinh và chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Theo các chuyên gia, duy trì và phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số là bài toán lâu dài; bên cạnh việc bảo đảm chế độ đãi ngộ phù hợp thì tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng tác viên cũng cần được triển khai thường xuyên.
Nhận thức được vai trò quan trọng của cộng tác viên dân số, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên. Các buổi đào tạo không chỉ giúp cộng tác viên nắm vững các kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, mà còn giúp họ nâng cao kỹ năng giao tiếp, tư vấn và vận động gia đình tham gia vào các chương trình dân số.