Công tác pháp chế được triển khai bài bản, nghiêm túc, có hiệu quả
Năm 2024, công tác pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ bản đều được kế hoạch hóa và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có kết quả tốt. Trên cơ sở kế hoạch đó, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch riêng của mình; có 13 đơn vị đã xây dựng kế hoạch công tác pháp chế và triển khai thực hiện.
Theo Vụ Pháp chế, trong năm, Bộ đã tham mưu và ban hành 38 văn bản (gồm 11 Nghị định, 2 Quyết định, 25 Thông tư). Hoàn thành 100% văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng đã ban hành 24 thông tư, hoàn thành 100% kế hoạch; trong đó, có nhiều văn bản được trình, ban hành trước thời hạn (gồm 5 dự thảo Nghị định, 1 Quyết định, 3 thông tư).
Nhiều chính sách lớn của ngành nông nghiệp được ban hành góp phần to lớn thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, từng bước đổi mới tư duy trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật. Ví dụ như trong lĩnh vực lâm nghiệp - kiểm lâm có chính sách về sử dụng rừng phục vụ thi công dự án nguồn điện và lưới điện để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, chính sách về phát triển lâm nghiệp, chính sách về lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y có chính sách về phát triển chăn nuôi, thay đổi phương thức hợp quy thuốc thú y…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong công tác pháp chế, vẫn còn tình trạng điều chỉnh tiến độ trình, rút khỏi chương trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật) được phát hiện thông qua quá trình rà soát, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật và theo phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp chưa được xử lý nhanh chóng, kịp thời và triệt để.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, nguyên nhân là do Thủ trưởng nhiều đơn vị chưa thật sự nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong đề xuất lập kế hoạch và tập trung các nguồn lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ được giao chủ trì xây dựng văn bản với các bộ, ngành có liên quan trong việc hoàn thiện dự thảo văn bản đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ năm 2022, dẫn đến còn nhiều văn bản chưa được ban hành, ví dụ như: Nghị định thay thế Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản, dự thảo Nghị định cơ giới hóa trong nông nghiệp…
Đặc biệt, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là công việc khó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn rất rộng, nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp, liên quan đến nhiều bộ, ngành khác. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật có liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay cũng liên tục bị thay đổi, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng văn bản của Bộ.
Một số văn bản giao cho Bộ xây dựng và trình ban hành trong thời gian ngắn, trong khi đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu phải tuân thủ theo các bước chặt chẽ, đáp cần có thời gian để thực hiện đầy đủ các bước này.
Trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp đặt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng quy trình quy định. Nhất là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến việc thay đổi cơ cấu tổ chức, bộ máy của Bộ và quy định về phân cấp. Tập trung xử lý các điểm nghẽn hiện nay của các văn bản quy phạm pháp luật đã được xác định thông qua quá trình rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
“Xây dựng văn bản đã khó, triển khai thực hiện và giám sát càng cần trách nhiệm hơn”
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã có ý kiến về tiến độ xây dựng văn bản do đơn vị được giao phụ trách, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để hoàn thành Kế hoạch xây dựng văn bản năm 2025.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng bộ và sự phối hợp, tham mưu kịp thời, trách nhiệm của Vụ Pháp chế đã giúp cho các đơn vị thuộc Bộ hoàn thành công tác pháp chế nói chung.
Khẳng định việc xây dựng văn bản đã khó, thì việc triển khai thực hiện và giám sát thực thi pháp luật càng cần trách nhiệm hơn, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, đây là nhiệm vụ cần tăng cường mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, những đổi mới về công tác pháp chế như yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải là Tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản và chịu trách nhiệm về chất lượng, thời gian xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về tiến độ các văn bản do đơn vị mình chủ trì soạn thảo. Điều này thể hiện rõ công tác pháp chế là một trong những ưu tiên, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ.
Nêu khó khăn trực tiếp của đơn vị, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, việc xúc tiến mở cửa thị trường liên quan đến yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khó khăn. Đặc biệt là vấn đề kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Do đó, nhu cầu sửa đổi văn bản luôn luôn phải đi trước để bắt kịp xu thế, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.
Đơn cử như việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường, nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu. Mã số vùng trồng được xem là “tấm vé thông hành” quan trọng để nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, các quy định trong Luật Trồng trọt chỉ mới chỉ khuyến khích người dân, chưa có ràng buộc cụ thể nên việc tuân thủ, chấp hành các quy định chưa được thực hiện tốt. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị lãnh đạo Bộ xem xét, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi luật để làm rõ các quy định, phân định rõ trách nhiệm, có căn cứ pháp lý để quản lý chặt vấn đề này.
Để công tác pháp chế được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phan Thị Huệ đề nghị cần ưu tiên nguồn lực, tài chính cho công tác pháp chế. Cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp nhưng kinh phí dành cho công tác pháp chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Pháp chế đóng vai trò đổi mới sáng tạo, là động lực để phát triển”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng đánh giá, dù công tác pháp chế đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công việc nhiều, phức tạp, nhưng nhiều đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện tốt và cần tiếp tục phát huy. Vụ Pháp chế đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng văn bản pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, khoa học hơn.
Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, trước đây, công tác pháp chế chủ yếu dựa trên tư duy "quản lý hành chính", tập trung vào việc ban hành và giám sát thực thi các quy định. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra yêu cầu cần có một cách tiếp cận mới, trong đó chuyển đổi từ "quản lý hành chính" sang "kiến tạo và phát triển", nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, huy động nguồn lực và tạo động lực phát triển bền vững.
Chuyển đổi tư duy không chỉ là yêu cầu mà còn là nhiệm vụ cấp thiết để công tác pháp chế trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực tế, vai trò của pháp chế trong kiến tạo phát triển thể hiện qua nhiều khía cạnh quan trọng, góp phần thúc đẩy đổi mới và tạo nền tảng bền vững cho nền kinh tế - xã hội. Trước hết, pháp chế đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý. Bên cạnh đó, pháp chế cũng thúc đẩy liên kết và hợp tác bằng cách tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân hợp tác trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Để tạo đột phá trong công tác pháp chế, Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho rằng, cần tiến hành cải cách toàn diện trong xây dựng pháp luật, rà soát kỹ các quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, phát hiện những vấn đề vướng mắc, chồng chéo, tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất, sửa đổi…
Bên cạnh đó, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài Bộ để đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản chậm tiến độ để xử lý dứt điểm tình trạng nợ, đọng văn bản. Tập trung xử lý các “điểm nghẽn” hiện nay của các văn bản quy phạm pháp luật đã được xác định thông qua quá trình rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số trong công tác pháp chế, bao gồm ứng dụng công nghệ để quản lý và giám sát hệ thống pháp luật, phát triển các nền tảng số giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế, đảm bảo cán bộ được đào tạo chuyên sâu. Bố trí kinh phí kịp thời và tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật, sử dụng đa dạng các kênh để phổ biến pháp luật và tiếp thu ý kiến từ các bên liên quan nhằm điều chỉnh chính sách kịp thời.