
Người ta có thể đưa ra 5 nhận định quan trọng về khủng hoảng hiện nay. Thứ nhất, khi kinh tế Mỹ không khỏe mạnh, những nền kinh tế khác cũng trở nên ốm yếu. Thứ hai, đây là cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ những năm 1930. Thứ ba, khủng hoảng mang tính toàn cầu, ảnh hưởng lớn nhất đến các quốc gia xuất khẩu hàng hóa hoặc thu hút vốn đầu tư. Thứ tư, các nhà hoạch định chính sách đã tung ra các gói giải pháp mạnh mẽ nhất, chưa từng thấy về tài chính và tiền tệ để giải cứu. Cuối cùng, những hành động này đã mang lại một số thành công: lòng tin đang trở lại.
Về kinh tế, có thể đưa ra dự đoán rằng, Mỹ sẽ là nước phục hồi nhanh nhất và Mỹ sẽ một lần cho thấy họ là quốc gia phát triển đi theo học thuyết kinh tế Keynes. Cũng có thể dự đoán rằng, Trung Quốc, với hàng loạt gói kích cầu, sẽ là nền kinh tế thành công nhất của thế giới. Nhưng có ít nhất 3 vấn đề lớn không thể dự đoán: Thứ nhất, các khoản nợ không trả được và sự sụt giảm thu nhập sẽ buộc người tiêu dùng phải chịu đựng đến đâu trong khi vừa phải tiết kiệm tài chính cho gia đình lại vừa phải tăng cường chi tiêu nhằm kích cầu? Thứ hai, tình trạng thâm hụt ngân sách hiện tại sẽ tiếp tục kéo dài bao lâu trước khi các thị trường đòi hỏi những khoản bù đắp nhiều hơn để phòng ngừa rủi ro? Thứ ba, các ngân hàng trung ương có thể tìm kiếm lối thoát khỏi khủng hoảng mà không bị lạm phát từ các chính sách luôn thay đổi?
Về tài chính, lòng tin đang trở lại với tỷ lệ các khoản vay nguy hiểm và an toàn giảm xuống chỉ số bình thường. Chính quyền Mỹ đã trao cho hệ thống ngân hàng một chứng chỉ về sức khỏe tài chính, tạm thời làm yên lòng giới đầu tư. Vì thế, có thể dự đoán rằng, lĩnh vực tài chính sẽ hồi phục trong một vài năm tới nhưng sẽ phải mất cả thập kỷ để chờ tới ngày bình phục hoàn toàn. Điều không dự đoán được là mức độ tác động của các gói kích cầu đối với tình trạng giảm phát của nền kinh tế sẽ như thế nào. Cũng không dự đoán được mức độ thành công khi áp dụng những quy định mới nghiêm khắc đối với lĩnh vực tài chính. Trong khi đó, hàng loạt gói kích cầu của chính phủ các nước đang có nguy cơ làm suy giảm tiến trình toàn cầu hóa từng phần. Sự can thiệp của các chính phủ vào ngành công nghiệp đang thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ.
Vậy tương lai của Chủ nghĩa Tư bản sẽ ra sao? Câu trả lời là sẽ tiếp tục sống sót. Dù cho khủng hoảng, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn theo đuổi một nền kinh tế thị trường mặc dầu cả hai sẽ đau đầu khi mở cửa tự do lĩnh vực tài chính. Các quốc gia vẫn phát triển theo kinh tế thị trường nhưng theo cách thận trọng hơn. Hầu hết các quốc gia mới nổi sẽ nhận ra rằng, tích lũy ngoại tệ để cho nước ngoài vay không phải là một chiến lược lành mạnh.
Cuộc khủng hoảng sẽ có ý nghĩa thế nào với trật tự chính trị thế giới? Thứ nhất, cuộc khủng hoảng đang và sẽ giúp phương Tây biết cách kiểm soát một hệ thống tài chính tinh vi phức tạp khi hệ thống này bị rối loạn. Thứ hai, các quốc gia mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, có vai trò trung tâm trong giải quyết khủng hoảng (như vai trò của Trung Quốc thể hiện trong Hội nghị của 20 quốc gia hàng đầu thế giới – G20). Thứ ba, các nước đang cố gắng làm mới lại các tổ chức quốc tế, nhất là Quỹ tiền Tệ Quốc tế (IMF) và vai trò của từng quốc gia trong đó. Cuối cùng, Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo đối với nền kinh tế thế giới nhưng quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm. Quyền lực kinh tế, chính trị của các quốc gia khổng lồ Châu Á có xu hướng tăng.
Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng xấu tới các nền kinh tế và để lại nhiều hậu quả. Tuy nhiên, các nền kinh tế sẽ vượt qua và phục hồi. Điều quan trọng với mỗi quốc gia là cần nắm được xu thế điều chỉnh của các nền kinh tế thị trường trên thế giới sau cuộc khủng hoảng này để có những chính sách phù hợp nhằm tranh thủ tốt nhất các ưu điểm của kinh tế thị trường.
Theo Financial Times