Dẫu vậy, một câu hỏi day dứt đã được ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) và nhiều đại biểu khác đặt ra trên diễn đàn của Quốc hội chiều qua, 17.6, khi thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đó là, khi trốn ra ngoài lao động hoặc ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng, người lao động phải đối mặt với rất nhiều thách thức và rủi ro như bị bắt, bị xâm hại sức khỏe, bị xâm hại tình dục, bị bắt buộc lao động quá mức hoặc trở thành nạn nhân của bọn buôn người, nhưng tại sao họ vẫn trốn? Nhưng rồi, chính các đại biểu cũng chỉ có thể trả lời cho câu hỏi của mình bằng những câu hỏi khác, day dứt không kém.
Phải chăng người lao động bỏ trốn ra ngoài lao động hoặc ở lại lao động trái phép vì chúng ta chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe nên họ không sợ? Nếu vì lý do này thì tại sao dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (sửa đổi) lần này lại không quy định đây là hành vi bị cấm?
Hay là do thông tin của doanh nghiệp cung cấp cho người lao động về thị trường lao động, yêu cầu công việc không trung thực, thiếu rõ ràng, thậm chí còn lừa gạt người lao động nên bần cùng bất đắc dĩ, họ - những người lao động xa xứ bị đẩy vào tình thế phải đối mặt với những khó khăn không thể ngờ tới - đã buộc phải trốn ra ngoài để tìm kiếm cơ hội tốt hơn nhưng cũng không kém rủi ro, thua thiệt? Nếu vì lý do này thì những doanh nghiệp đã đưa người lao động vào tình cảnh ấy phải bị xử lý như thế nào?
Hay là do thu nhập thấp không tương xứng với đòi hỏi cao của công việc và thu nhập sau khi trang trải cho sinh hoạt, trừ đi các khoản chi phí khác để có thể có một suất đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động không còn lại được bao nhiêu đã buộc họ phải trốn ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn, có tích lũy hơn? Trong trường hợp này thì Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ người lao động giảm được tối đa chi phí? Có chính sách gì để hỗ trợ người lao động Việt Nam có thể có thu nhập tốt hơn ở nước sở tại?
Hay nếu không có doanh nghiệp nào của nước sở tại thu nhận vào làm việc thì làm sao người lao động dám trốn ra ngoài làm việc hoặc ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng? Nếu vậy, giữa nước ta và nước đối tác tiếp nhận lao động phải có giải pháp chung nào để xử lý và ngăn chặn?
Còn rất nhiều lý do nữa có thể tác động đến việc người lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc hoặc ở lại trái phép sau khi hết hạn hợp đồng mà không thể gói gọn trong vài ba câu đánh giá. Nhìn sâu hơn vào những cảnh đời, những số phận của người lao động bỏ trốn, ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng thì rõ ràng, để có thể hạn chế, ngăn chặn tình trạng này xảy ra trong tương lai, Chính phủ phải có đánh giá một cách khách quan, đầy đủ nguyên nhân của thực trạng này, từ đó, xây dựng thành các điều luật, làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Ở góc độ khác, hiện nay, lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc chuẩn bị đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng không nắm được đầy đủ thông tin về nước sở tại, doanh nghiệp tiếp nhận lao động. Muốn tìm kiếm thông tin chính thống, đáng tin cậy về thị trường lao động cũng như các quy định cần thiết về điều kiện lao động, chi phí cho việc đi lao động, chế độ đãi ngộ cũng hết sức khó khăn. Đến khi lao động xong về nước cũng không biết mình sẽ được hỗ trợ gì, tìm việc ở đâu, nơi nào có nhu cầu tuyển dụng ngành nghề phù hợp. Tất cả điều này gây bất lợi cho người lao động và cho cả cơ quan quản lý nhà nước.
Từ thực tế đó, theo đại biểu Huỳnh Cao Nhất, cần thiết phải xây dựng và hình thành được một hệ thống cơ sở dữ liệu với tất cả nội dung cần thiết, đáng tin cậy, được cập nhật thường xuyên để cung cấp kịp thời cho người lao động trước, trong và sau khi về nước. Khi được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, đầy đủ, cập nhật một cách hệ thống như vậy, người lao động cũng sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt, đặc biệt là tâm lý sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách khi làm việc ở nước ngoài và cũng sẽ yên tâm khi trở về nước.
Xây dựng một cơ chế cung cấp thông tin hỗ trợ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách thực chất, có hệ thống cũng chính là chúng ta đã bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ngay từ trong nước. Chính điều này, cũng sẽ góp phần hiệu quả vào việc hạn chế, ngăn ngừa tình trạng lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng lao động.