Nhớ thương phố Đán

Chiều 27 Tết của một năm học nào đó, tôi đi bộ dọc đoạn đường từ Vùng cao Việt Bắc tới vượt dốc Thiếu Sinh Quân như một lời tạm biệt để mai về nhà. Học sinh - sinh viên về nghỉ Tết nên đoạn đường này hiện rõ sự vắng vẻ, im ắng. Ngang qua chợ Tiến Ninh, cô hàng quen ngỡ ngàng hỏi: "Ô, sao chưa về nghỉ Tết?"...

Khi đặt chân lên Thái Nguyên học đại học, nơi mà tôi ở trọ đã được gọi là Đán. Từ trí thức tới lao động bình dân đều gọi đó là Đán. Ra đường, bắt gặp bất kỳ câu chuyện nào có liên quan, người ta đều nhắc đến từ ở Đán, trong Đán, về Đán... như nói về một nơi chốn thân quen và “nổi tiếng” tất nhiên phải biết. Lũ sinh viên Văn khoa mộng mơ nghèo khó chúng tôi ngày ấy gọi đó là phố Đán. 8 năm ở trọ Thái Nguyên, Đán như một miếng đất thân thuộc đến nỗi tôi không màng truy nguyên định danh hành chính thực sự của nó là gì.

Đán là nơi tập trung cơ quan đầu não của Đại học Thái Nguyên, một số trường cao đẳng - đại học thành viên và trường Vùng cao Việt Bắc, còn chưa kể Thiếu Sinh Quân đã “vang bóng một thời”. Đoạn đường gần một cây số từ cổng sau ký túc xá Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông kéo dài tới ngã ba đường Quang Trung (đối diện là Hoàng Gia và Rạp chiếu phim Beta) như một án ngữ giữa phố và làng. Nó nối liền giữa một bên là vùng canh tác lúa nước và chè ở Nước Hai, Phúc Trìu, Tân Cương với một bên là đường dẫn huyết mạch ra trung tâm thành phố. Đoạn đường này đã từng hội tụ nhiều cơ sở giáo dục của Thái Nguyên, với những đêm liên hoan văn nghệ đa dạng sắc màu từ các dân tộc thiểu số vùng trung du miền núi phía Bắc. Những con đường dẫn vào các xóm trọ rất nhỏ, người đi làm, kẻ đi học, hàng quán ăn uống may mặc xen kẽ những tiệm photocopy huyên náo từ sáng đến cuối ngày.

 "Sương còn nguyên giọt đọng trên những cọng rơm úa, một làn hơi ẩm phả ra từ đụn rơm như mách bảo sự sống vẫn đương thì tiếp diễn dù đã chắt chiu hết sinh lực của mình vào bông lúa. Thóc gạo ấy, nhà chủ để dành những thúng ngon nhất để cuối năm gói bánh chưng. Có năm gói sớm, bác chủ nhà lại cho mỗi đứa một cái mang về quê ăn Tết..."

Nhưng một vài hiện diện thị thành ấy lại không gợi cho tôi một ý nghĩ, một câu chuyện, một nỗi nhớ mỗi khi nhắc về Đán. Trong suy nghĩ của tôi, Đán đã và đang sống trong những câu chuyện của thôn quê Việt Nam. Từ lối sống, con người đến chuyện nhà chuyện xóm. Tôi thích ngắm những ngôi nhà trên đồi vào buổi sáng, bao quanh là cây cối và sương lam ẩm ướt. Cửa chính còn khép hờ nhưng cửa bếp đã được mở toang để đun nước ra đồng cho sớm. Con người thu lại như những cái bóng nhỏ nhoi trong sự chở che của mái nhà nằm nép mình sau rặng keo già vi vút. Ai có ở Đán, nằm trong một căn nhà ngói ba gian, trong khi chăn ấm nệm êm chưa muốn vắt màn thì giác quan chợt sa vào tiếng chim rừng lảnh lót râm ran, hoa cau dậy mùi thơm ngát trong vàng mơ hoa mướp, nghe tiếng nước sôi rót từ siêu ra ấm để chuẩn bị pha trà thì sẽ thấm giá trị của hai chữ bình minh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tạo hóa lại xoay vần để bình minh là khoảnh khắc vĩnh hằng của trần thế trong cặp trùng phùng với ảo ảnh hoàng hôn khi ngày sắp tắt.

Những khi đạp xe thong dong đi dạo, sẽ không khó để bắt gặp một cánh đồng, một đàn trâu hay một đôi quang gánh nghỉ lưng ngang đường. Nhà chủ nơi tôi thuê trọ học vẫn chăn trâu lấy sức kéo và trồng lúa nước. Cánh đồng phía sau ngôi nhà là cả một điển hình của miền trung du. Dưới thấp có cấy lúa, trồng ngô khoai sắn, trên đồi trồng chè và cây ăn trái. Quanh năm hai vụ cấy gặt. Nhớ nhất là những vụ gặt mùa đông, sau khi rơm được tuốt sạch rồi rải đều ở sân và ngõ xóm trọ, sáng hôm sau dậy sớm đi học sẽ ngửi thấy mùi rơm tươi khe khẽ bốc lên trong cái nắng hanh mới nở. Sương còn nguyên giọt đọng trên những cọng rơm úa, một làn hơi ẩm phả ra từ đụn rơm như mách bảo sự sống vẫn đương thì tiếp diễn dù đã chắt chiu hết sinh lực của mình vào bông lúa. Thóc gạo ấy, nhà chủ để dành những thúng ngon nhất để cuối năm gói bánh chưng. Có năm gói sớm, bác chủ nhà lại cho mỗi đứa một cái mang về quê ăn Tết.

Tôi không thể nào quên ký ức về một Đán bình dị nhưng cũng thật cô đơn vào thời khắc những ngày cuối năm. Tháng Chạp miền trung du rét đậm, chỉ muốn nằm lì trong phòng nghe đất trời đổ lệ sau đồi keo già cỗi. Thi học kỳ xong là đứa nào đứa ấy khăn gói lên đường để về nhà ăn Tết. Tôi khác, chẳng năm nào về nhà ngay mà cứ nán lại đến tận 28 mới về. Thật thà, cứ nghĩ đến cảnh chen chúc xe cộ mà thấy ớn. Sự ích kỷ và sở thích cá nhân mách bảo tôi rằng, Đán những ngày này rất đẹp. Cho nên ở lại. Cho nên mấy phen dùng dằng toan xách cái balo ra bến xe lại trở lui phòng trọ để nằm lì trong đó, dù lúc đó xóm còn mỗi mình tôi ở lại. Trời mùa đông tối thui không gợn một mảnh sáng nào ngoài sự le lói của ánh điện màu vàng ngoài cổng.

Chiều 27 Tết của một năm học nào đó, tôi đi bộ dọc đoạn đường từ Vùng cao Việt Bắc tới vượt dốc Thiếu Sinh Quân như một lời tạm biệt để mai về nhà. Khi tôi bắt đầu học ở đây, đoạn đường này còn nham nhở đất đá, dốc khúc khuỷu chứ chưa được trơn láng như bây giờ. Học sinh - sinh viên về nghỉ Tết nên đoạn đường này hiện rõ sự vắng vẻ, im ắng. Mới hay nơi này đã gom góp một phần dân ngụ cư thành hơi thở của chính mình. Ngang qua chợ Tiến Ninh, cô hàng quen ngỡ ngàng hỏi: "Ô, sao chưa về nghỉ Tết?". Tôi chỉ cười trừ rồi đi tiếp. Thực ra khi ấy chỉ nhớ "lũ bạn tồi" của tôi những lúc đi học về, cả bọn hay rủ nhau ra chợ mua rau mua đậu về nấu bữa ăn đạm bạc trong phòng trọ. Rồi có những ngày sau buổi học mệt nhoài, ngồi trà mạn một mình dưới gốc bàng, nắng hanh chiếu xuống tận đáy chén một màu xanh ngọc, trà đắng và chát nhưng cũng vì thế mà màu chiều thêm đẹp. Những thân bàng khẳng khiu trơ trụi lá trải dài lối đi, chúng đứng đó im lìm nhiều năm nay, như một bảo chứng về hồn vía của góc phố nhỏ những ngày mùa đông. Cả đoạn đường có đến gần chục gốc bàng, mùa hạ đi qua đó tôi rất ít khi để tâm nhưng khi vào mùa lá đổ, những xác lá đỏ ối như chiếc thuyền con rụng xuống lòng đường lại khiến mình khựng lại. Bởi biết rằng, khi lá bàng rụng kín gốc nghĩa là mùa đương Chạp, tiết trời đang ở những ngày lạnh và đẹp nhất của mùa đông. 

 Tới dốc Thiếu, bên này là một hàng bằng lăng từ trong sân bóng chìa ra, bên kia là những gốc bàng trước cổng các hộ gia đình có nhiều đời làm lính. Tôi tự “chấm” đoạn từ dốc Thiếu trở lên phía trên một chút chính là đoạn đường sạch sẽ, thơ mộng nhất Đán. Mùa hạ, bằng lăng nở tím ngát bên kia bờ rào, tới thu đông, vào mùa cây cối thay lá thì vẫn có những giàn hoa giấy khoe sắc vào khung trời bảng lảng của thời gian. Nhất là vào giờ khắc của đêm, một mình bước bộ ở đây, nghe hương hoa mộc len lén tỏa sau hè, hình dung tiếng trống tan học mà nhớ trường nhớ lớp, nhớ cả những chén rượu ốc lạnh căm với hội bạn. Có năm, chúng tôi phải học nhờ ở đây, trên đường đi học tôi cứ đếm hết gốc bàng này đến gốc bàng khác để mau tới trường vì từ chỗ tôi đi bộ ra dốc Thiếu khá xa.

Ở vùng núi, dường như mùa đông thường lạnh hơn khi có cái rét từ rừng tràn xuống. Và cũng từ đó, sương mù men theo mùa đông về Đán, tạo thành lớp ảo ảnh mờ xa ở phố núi này. Bất giác nhận ra bao năm nay, Đán dẫu cũ mà vẫn mới trong lòng người ở kẻ đi, quá thân thuộc với người bản địa nhưng luôn chờ đợi những sự đoái hoài từ cái nhìn của kẻ độc bước lữ hành.

 Bây giờ ai có về Đán, cho tôi gửi một lời rêu...

Văn hóa

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản
Văn hóa - Thể thao

Vượt qua rào cản khi sáng tạo với di sản

Di sản văn hóa phi vật thể đang góp phần quan trọng làm nên những sản phẩm độc đáo của công nghiệp văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ cần sự sáng tạo mà còn phải hiểu biết thấu đáo về truyền thống để giữ bản sắc nhưng vẫn mang lại nguồn lợi kinh tế.