Giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội

Bài cuối: Bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù

- Thứ Tư, 19/10/2022, 06:31 - Chia sẻ

Nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang được đặt ra. Giải pháp căn cơ là làm sao bảo đảm cơ chế, chính sách phù hợp, ưu tiên phát triển bậc học này.

Dồn ưu tiên cho cấp học mầm non

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong đợt dịch Covid-19, trẻ không đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non không thu được học phí, song vẫn phải trả tiền thuê nhà, duy trì đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên, dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải giải thể, giáo viên, nhân viên bỏ nghề, chuyển nghề do không có thu nhập hoặc thu nhập thấp. Khi trẻ mầm non đi học trở lại dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên. Vì lương thấp, nhiều giáo viên, nhân viên không muốn trích tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội, tiền học phí thu thấp, chủ nhóm lớp không đủ trang trải để chi trả bảo hiểm… dẫn đến tỷ lệ giáo viên, nhân viên mầm non được đóng bảo hiểm rất thấp, hiện chỉ được 55,1%.

Đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, nhiều địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo trường lớp. Tuy nhiên, như địa bàn huyện Đông Anh, do số lượng học sinh tăng quá nhanh nên nhiều trường và nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập vẫn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là tại các xã Kim Chung, Hải Bối. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Thăng Long tập trung khoảng 34.000 công nhân đang tạm trú. 9 trường mầm non (công lập 4 trường, tư thục 5 trường) và 23 nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục không đủ đáp ứng nhu cầu gửi con em của người dân trong khu vực cũng như con em công nhân, người lao động tại khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Tám phân tích, quan tâm đến chất lượng giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, huyện chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trường lớp cho con em công nhân. Tuy nhiên, xây được trường nhưng không có định mức biên chế để tuyển giáo viên. “Đông Anh khác với Phúc Thọ, Thạch Thất ở chỗ lượng học sinh không ổn định mà tăng nhanh, tăng mạnh theo từng năm. Huyện dồn sự quan tâm cho giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non, cấp tiền theo đầu học sinh, đưa về các trường, nhưng cơ chế để chi trả lương bất cập. Nhân viên nuôi dưỡng tại các trường vất vả nhưng chế độ tiền lương thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Hay việc khống chế định mức biên chế dẫn đến xây được trường mà không được tuyển bộ máy, giáo viên”.

Bài cuối: Bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù
Nguồn: ITN

Quan tâm hỗ trợ cơ sở mầm non tư thục

Hiệu trưởng trường Mầm non Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Mơ so sánh: nằm trong khu công nghiệp, công nhân với mức lương cơ bản thấp nhất là 5,2 triệu đồng/tháng, còn đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng trong trường công lập chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng, đã bao gồm thu nhập thêm từ công tác bán trú ngoài giờ. “Đây là tâm tư bao lâu nay. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, bổ sung chế độ, chính sách cho nhân viên nuôi dưỡng trong trường mầm non, để nâng cao mức sống và giúp họ an tâm công tác”. 

Chủ Nhóm trẻ mầm non Hoa Hướng Dương, huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Phúc chia sẻ, cơ sở mong muốn thành trường, nhưng thực tế rất nhiều rào cản. “Thứ nhất, mức thu nhập của công nhân còn thấp, muốn tuyển sinh không thể thu học phí cao, mà như thế thì không có kinh phí tái đầu tư, nâng cấp nhóm trẻ thành trường. Thứ hai là tâm lý phụ huynh vẫn muốn con em học trường công lập để được Nhà nước hỗ trợ. Thứ ba là rào cản trong tuyển dụng, giáo viên tốt không thích gắn bó lâu dài, mặc dù chúng tôi trả lương cao hơn so với mức sàn của Nhà nước, cũng đóng bảo hiểm, nhưng họ sẵn sàng đi tìm công việc khác hoặc làm công nhân để nhận mức lương cao hơn. Vì vậy nguyện vọng của chúng tôi lâu nay là được Nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ các nhóm trẻ tư thục”.

Hà Nội tập trung dân cư đông, tốc độ phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày một tăng, mặc dù tốc độ quy hoạch, xây dựng mạng lưới trường, lớp phục vụ công tác giáo dục mầm non khá nhanh, song không tránh khỏi nơi này nơi kia chưa thể theo kịp. Nhận định như vậy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Như Hoa cho biết, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành về thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non, thời gian tới, Hà Nội cũng cần đặc biệt quan tâm đến các cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất, huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non.

 “Đối với cấp học mầm non, chúng tôi vẫn thường nói vui là có ba cái nhất: thời gian làm việc tại trường nhiều nhất; thu nhập của cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường mầm non thấp nhất và thu hút người đến làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non cũng là ít nhất. Tuy vậy, các cô mầm non bao giờ cũng tươi trẻ nhất. Cho nên chúng tôi luôn luôn động viên các cô hãy lấy cái nhất ở sự tươi trẻ, tinh thần hăng say ấy để bù lại những khó khăn trong cấp học. Một mặt là sự cố gắng của các cô, nhưng mặt khác, đòi hỏi sự nỗ lực của thành phố cũng như sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, ưu tiên cho cấp học này”, bà Trần Như Hoa nói.

Thái Minh
#