Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Nhiều vũ khí chống dịch hiệu quả tại Bắc Giang

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 07:02 - Chia sẻ
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bắc Giang là địa phương có số ca mắc SARS-CoV-2 nhiều nhất nước với tốc độ lây nhiễm nhanh, trong khoảng thời gian ngắn. Với kinh nghiệm đã đúc rút được từ những đợt dịch trước đó, địa phương này đã xây dựng kế hoạch, chiến lược nhằm phòng, chống dịch bài bản, từ việc vận dụng có hiệu quả vũ khí chống dịch độc đáo - Tổ Covid cộng đồng, tới việc triển khai mô hình điều trị mới "tháp 3 tầng".

Toàn dân chống dịch

Với Bắc Giang, trong đợt dịch lần này, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng chính là công tác điều tra, giám sát dịch tễ. Chính vì vậy, sau khi nhận được sự tham mưu của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang đã lập tức ban hành công văn chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập mạng lưới tổ Covid cộng đồng nhằm triển khai nhanh chóng, đồng bộ công tác điều tra, giám sát dịch tễ. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 10.600 tổ Covid cộng đồng với tổng số nhân lực là hơn 37.000 người. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao tới từ các cấp, ban ngành, mạng lưới tổ Covid cộng đồng tại Bắc Giang hoạt động khá trơn tru và hiệu quả. 

Bắc Giang Triển khai hiệu quả mô hình điều trị "tháp 3 tầng" Nguồn: Bộ Y Tế
Bắc Giang Triển khai hiệu quả mô hình điều trị "tháp 3 tầng"
Nguồn: Bộ Y Tế

Theo số liệu mới nhất từ Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, tới thời điểm hiện tại, mạng lưới tổ Covid cộng đồng đã phát hiện được trên 1.200 trường hợp có biểu hiện ho, sốt, qua đó thực hiện các biện pháp cần thiết một cách kịp thời nhằm ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh. Trong số nhiều địa phương tại Bắc Giang, huyện Lục Nam được đánh giá cao về công tác phòng, chống dịch theo phương châm “toàn dân, toàn diện”. Chỉ tính riêng ở khía cạnh triển khai mô hình tổ Covid cộng đồng, toàn huyện Lục Nam có tới 1.400 tổ, với tổng số nhân lực hàng nghìn thành viên, tham gia phủ khắp trên 25/25 xã, thị trấn. 

Là một trong những thành viên của tổ Covid cộng đồng tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Toan cho biết, công việc mà tổ Covid cộng đồng phải thực hiện là phụ trách kiểm tra các yếu tố dịch tễ với hơn 60.000 hộ dân trên toàn huyện. Bất kỳ một biểu hiện hay triệu chứng liên quan đến dịch bệnh đều được các tổ nhanh chóng báo cáo về huyện và ngay lập tức có phương án xử lý. Tại Lục Nam, để phát huy tối đa chức năng, ngoài việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà", mạng lưới tổ Covid cộng đồng còn kiêm luôn quản lý điểm ra vào các khu vực dân cư được giao phụ trách.

"Tôi cũng như các đồng nghiệp trong tổ cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được góp một phần sức lực nhỏ bé, sớm giúp Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, đặc biệt là không được chủ quan, lơ là. Chúng tôi quan tâm đặc biệt với công nhân về từ vùng dịch đang cách ly tại nhà bằng cách thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế” - chị Nguyễn Thị Toan chia sẻ.

Triển khai mô hình điều trị mới

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Tổ trưởng Tổ điều trị Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang Nguyễn Trọng Khoa cho biết, thách thức lớn về số ca dương tính tăng rất nhanh trong thời gian ngắn tại Bắc Giang đã đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thiết lập một hệ thống điều trị bảo đảm thu dung toàn bộ số lượng F0, đồng thời đáp ứng điều trị được cả các ca bệnh diễn biến nặng. Phương án thiết lập hệ thống điều trị "tháp 3 tầng" đã chính thức được áp dụng tại Bắc Giang.

Theo đó, tầng thứ nhất là các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu, được tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có như ký túc xá các trường Cao đẳng Ngô Gia Tự, Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn, Trung tâm chăm sóc người có công, khu nhà ở xã hội… và một số cơ sở khác. Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tùy mức độ lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả bệnh nhân ở đây đều có bệnh án, được xét nghiệm, chụp X-quang để theo dõi tình trạng phổi, hỗ trợ về mặt sức khỏe để bệnh nhân nhanh hồi phục và giảm nguy cơ diễn biến nặng. 

Tầng thứ hai, bao gồm 11 bệnh viện điều trị Covid-19 là các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bắc Giang đã xây dựng 2 bệnh viện dã chiến gồm Bệnh viện Dã chiến số 1 hoạt động tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang với quy mô 200 giường bệnh. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang còn thiết lập 1 bệnh viện dã chiến tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang) do Bệnh viện Quân y 103 vận hành.

Tầng thứ 3 là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng với sự ra đời Trung tâm hồi sức tích cực (ICU). Bao gồm Trung tâm ICU lớn nhất miền Bắc với quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, được hoàn thiện trong thời gian thần tốc 5 ngày và Trung tâm ICU đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang với quy mô 58 giường. Cả 2 đơn vị được trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng. Đồng thời, để giải quyết bài toán nhân lực y tế vận hành trung tâm ICU này, Bộ Y tế đã huy động lực lượng hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực “tinh nhuệ” từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là những đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng từ các đợt dịch trước đó.

"Đây là mô hình rất mới, chỉ có tại Bắc Giang. Bộ phận thường trực đặc biệt đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Giang ban hành hướng dẫn thí điểm, triển khai để đáp ứng tình hình diễn tiến của dịch. Cho đến nay, hệ thống điều trị đã đáp ứng được yêu cầu; nhiều ca bệnh nặng phải thở máy đã có thể cai máy thở, sức khỏe hồi phục" - ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Thảo Mộc