Nhiều việc khó, không dễ hoàn thành sớm

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:27 - Chia sẻ

Bùi Văn Xuyền

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật

Khối lượng công việc giao cho Bộ Nội vụ theo tinh thần các luật, nghị quyết của Quốc hội là khá nhiều, trong đó một số nội dung được giao quy định chi tiết ở các luật tương đối khó.

Bộ Nội vụ có nhiều cố gắng trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIII về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiều văn bản được ban hành chậm so với thời hạn, nhưng đến thời điểm báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện, các văn bản này cơ bản được ban hành.

Bộ Nội vụ được giao khối lượng công việc nhiều, phức tạp, cần nhiều thời gian, nguồn lực để thực hiện nên có thể chia sẻ với sự chậm trễ này. Ví dụ, để thực hiện chủ trương sắp xếp vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính, việc tổng hợp đề nghị của các bộ, ngành, địa phương là một vấn đề lớn, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Việc xây dựng quy định về khung số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; quy định khung về số lượng cấp phó… cũng là những nội dung khó. Việc xác định vị trí việc làm, khung số lượng cơ quan chuyên môn, số lượng cục, vụ, viện thuộc các bộ, ngành chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải rà soát kỹ mới có thể xây dựng văn bản phù hợp, khả thi.

Dù Bộ Nội vụ có nhiều cố gắng trong thời gian qua, song chưa đáp ứng được hết yêu cầu nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội đối với lĩnh vực nội vụ. Trong đó, quy định đối với tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm lại của một số ngành được cử tri, ĐBQH phản ánh gây phiền hà, không phù hợp với thực tế. Rõ ràng, với những quy định hiện hành thì những tồn tại này khó mà được khắc phục.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định hiện hành, tìm cách khắc phục một cách thực chất, không thể “bắt” cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ kia, song không mang lại mấy hiệu quả với công việc thực tế, gây mất thời gian, kinh phí cho ngân sách và cả người học. Chính phủ cần xử lý rốt ráo vấn đề này, trong đó cần khuyến khích các đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chủ động trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc. Với cơ chế lương “cào bằng” như hiện nay sẽ không khuyến khích được người có khả năng cống hiến, cũng không đào thải được những người không có năng lực.

Thanh Hải ghi