Đây là chia sẻ của PGS. TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Công cộng), tại Tọa đàm “Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ngày 7.5.
Theo PGS. TS Phạm Việt Cường, khoảng 15 năm trước, khi có quy định bắt buộc người tham gia giao thông trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, lúc đó số lượng ô tô còn hạn chế, đường cao tốc hầu như chưa có. Do vậy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không đề cập đến câu chuyện an toàn cho trẻ em hay nhấn mạnh yêu cầu về dây an toàn. Tuy nhiên, khi hạ tầng giao thông phát triển mạnh, yêu cầu thắt dây an toàn cho người lớn và trẻ em trở nên cấp thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho người tham gia giao thông.
"Khi thảo luận về vấn đề thắt dây an toàn, chúng ta thấy rằng đây hoàn toàn là vấn đề không mới. Vấn đề mới chính là số lượng ô tô đang tăng quá nhanh và số lượng người tham gia giao thông trên đường cao tốc ngày càng lớn đã trở thành thách thức thật sự của an toàn giao thông", PGS. TS Phạm Việt Cường nhận định.
Trở lại vấn đề xe máy, PGS. TS Phạm Việt Cường chia sẻ, gần đây, khoảng năm 2021 - 2022, Tổ chức Y tế thế giới mới đề cập đến vấn đề an toàn trên xe máy; vì các quốc gia phát triển cấm trẻ em dưới 3 - 4 tuổi được phép ngồi xe máy. Thế nhưng, ở nước ta, với lượng xe máy như hiện nay và trong nhiều năm tới chúng ta chưa thay thế được phương tiện này, thì việc chở trẻ em trên xe gắn máy là không thể tránh được. Do vậy, cần phải có những quy định rất cụ thể để bảo vệ trẻ em trên xe.
Hiện nay dự thảo luật mới đã có điều kiện bắt buộc phải có dây an toàn trên xe. Tuy nhiên, cần phải lưu ý thêm dây an toàn như thế nào là phù hợp, đảm bảo việc đội mũ bảo hiểm, quy chuẩn mũ bảo hiểm cho người lớn, trẻ em như thế nào?
Tham khảo bài học của Ấn Độ - quốc gia cũng có nhiều xe máy, ngoài việc yêu cầu phải thắt dây cho trẻ, người ta còn hạn chế tốc độ của phương tiện, số lượng trẻ em chở trên xe máy, đặc biệt ở những khu vực nông thôn nơi giao thông thông thoáng.
Ghi nhận quy định hạn chế tốc độ phương tiện khi đi qua trường học, những khu vực có nhiều trẻ em và đặc biệt là các khu vực nông thôn đang áp dụng ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Việt Cường, dù chúng ta có biển cảnh báo nhưng khi đi qua đó và khu vực trường học đó, tài xế có nghiêm túc giảm tốc hay không cũng là một vấn đề mà chúng ta cần quy định và thực thi rất chặt chẽ.
PGS. TS Phạm Việt Cường cũng bày tỏ lo ngại khi một nhóm đối tượng là trẻ em 16 tuổi – 18 tuổi đi xe máy, xe máy điện và bắt đầu điều khiển xe máy tham gia giao thông mà không được đào tạo về kỹ năng điều khiển phương tiện hoặc tham gia giao thông; đồng thời cho rằng, công tác đào tạo để các em tham gia giao thông và bắt đầu sử dụng phương tiện có động cơ cần phải được tiến hành sớm, ngay cả đó chỉ là đợt sát hạch nhỏ của lực lượng chức năng. Em nào vượt qua mới đủ điều kiện tham gia giao thông cho đến tuổi 18 để thi bằng lái chính thức.
Cùng với đó là việc quy định chi tiết trang bị các thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô. Ví dụ, chúng ta nên quy định mức giới hạn ít nhất theo tiêu chuẩn tối thiểu mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đó là trẻ 10 tuổi và có chiều cao 1,35m trở xuống thì bắt buộc phải sử dụng thiết bị an toàn (thắt dây an toàn - PV) trên xe. Đặc biệt, trẻ dưới 12 tuổi dứt khoát không được phép ngồi ở hàng ghế phía trên của ô tô.
"Theo thống kê của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các vấn đề ô nhiễm có nguồn từ phương tiện giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng. Hiện nay, có những nghiên cứu cho thấy, 35 - 40% hô hấp của người dân bị ảnh hưởng có liên quan đến vấn đề khí thải từ giao thông. Cho nên, với cương vị là một trong những đơn vị công tác liên quan đến sức khoẻ, chúng tôi luôn khuyến cáo các vấn đề liên quan đến giao thông xanh và sạch. Chúng tôi vẫn làm và mong muốn tìm cách tốt hơn để giảm được lượng khí thải phát ra từ các phương tiện giao thông.
Chúng ta đề cập nhiều về những vấn đề đối với các phương tiện đã sử dụng lâu dài, việc kiểm soát vô cùng khó. Đối với xe máy mới hiện nay, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí thải cần phải nâng lên vì theo quy định hiện nay vẫn đang rất thấp so với thế giới. Cần phải xác định việc kiểm soát phương tiện cũ thật sự không dễ dàng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nâng tiêu chuẩn cho phương tiện mới và dần dần áp dụng cho các phương tiện cũ trong tương lai" - PGS. TS Phạm Việt Cường.