Bảo đảm chế độ, chính sách dành riêng cho lao động nữ
Trải hàng nghìn năm lịch sử, sự thiệt thòi của lao động nữ vẫn còn tàn dư tác động trong quan hệ lao động, quan hệ xã hội tới ngày hôm nay. Bởi vậy, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ nhân phẩm, quyền, lợi ích của lao động nữ là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Xác định được điều này, các cấp công đoàn đã tích cực triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung nhằm thúc đẩy bình bình đẳng giới và bảo vệ quyền của lao động nữ.
Cho đến nay, các cấp công đoàn đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền về chính sách, pháp luật, bình đẳng giới, dân số - gia đình - trẻ em cho lao động nữ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào nâng cao nhận thức về công tác giới và bình đẳng giới; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuyên truyền cho lao động nữ về dân số - sức khỏe sinh sản, học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, đặc biệt là tuyên truyền những nội dung liên quan đến lao động nữ và trẻ em được quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Truyền thông về phòng ngừa lao động trẻ em; truyền thông về kỹ năng chăm sóc trẻ trong hành trình đầu đời cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Tuyên truyền Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và Điều lệ Hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ XIII.
Công đoàn các cấp cũng tổ chức các lớp tập huấn công tác nữ công cho cán bộ chủ chốt và Trưởng ban Nữ công của công đoàn các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; tập huấn về thực hiện quyền trẻ em cho cán bộ nữ công công đoàn toàn quốc, diễn đàn giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình CNVCLĐ.
Nhiều chế độ, chính sách dành riêng cho lao động nữ được chủ doanh nghiệp thực hiện, như: hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; lao động nữ mang thai được bồi dưỡng thêm sữa vào bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tiền khám thai định kỳ... Trong 5 năm qua, có tới 157.393 đơn vị có quy định có lợi hơn cho lao động về hỗ trợ gửi trẻ, mẫu giáo, tổ chức thêm 1 lần khám chuyên khoa phụ sản...; trên 95% số công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động nhân “Tháng Hành động vì trẻ em” và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, Tết Trung thu với các hình thức văn hóa, văn nghệ, tham quan, gặp mặt, tặng quà, biểu dương, khen thưởng... hàng nghìn học sinh là con đoàn viên, người lao động có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi là con đoàn viên công đoàn tử vong do dịch Covid-19 bằng hình thức trao sổ tiết kiệm với mức 10 - 20 triệu đồng/cháu cho trên 500 trẻ em mồ côi.
Ban Nữ công đóng vai trò quan trọng
Đối với việc thúc đẩy quyền và lợi ích của lao động nữ, Ban Nữ công đóng vai trò then chốt và vô cùng quan trọng. Hiện, các cấp công đoàn đã thành lập gần 80.000 Ban nữ công quần chúng. Với sự linh hoạt, sáng tạo không ngừng nghỉ, thời gian qua, hoạt động của các Ban nữ công quần chúng đã có những kết quả đáng mừng.
Các mô hình “Lễ cưới tập thể”, “Trại hè cho con công nhân lao động”, “Chăm sóc sức khỏe sinh sản”, “Khu nhà trọ tự quản kiểu mẫu”, dự án “Phản ứng nhanh với đại dịch Covid-19 thông qua cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản theo cơ chế mới”... hoạt động khá hiệu quả. Thống kê cho thấy, đã có 39 tỉnh, thành trong cả nước triển khai mô hình “Sức khỏe của bạn” và có gần 1.300 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp, công đoàn ngành, địa phương...
Ban Nữ công thuộc công đoàn các cấp đã tham mưu tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong nữ công nhân lao động. Các phong trào được đổi mới cả về nội dung và hình thức phù hợp với từng đoàn viên, người lao động và đặc điểm của địa phương, đơn vị. Điển hình là Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang với phong trào “Nam giới điểm 10”, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định với phong trào “Gia đình thành đạt”; “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen” của Công đoàn Dệt May Việt Nam...
Với các hoạt động thiết thực chăm lo cho lao động nữ, các cấp công đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trong việc thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên, người lao động; góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Qua đó, gia tăng khả năng, hiệu quả thúc đẩy quyền và lợi ích chính đáng cho các lao động nữ trong xã hội ngày nay.