Nhung hươu là một sản phẩm quý giá, có giá trị dinh dưỡng và y học cao, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền và hiện đại. Giá nhung hươu ổn định, dao động từ 12 - 15 triệu đồng/kg, giúp người nuôi thu về nguồn lợi kinh tế đáng kể. Một con hươu trưởng thành có thể cho từ 1 – 2 kg nhung mỗi năm, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho mỗi hộ chăn nuôi.

Điển hình là trang trại của anh Nguyễn Hồng Tiệp (thôn 8, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) với gần 800 con hươu, trong đó 500 con đực. Dù mới vào đầu mùa, trang trại đã thu hoạch hơn 80 kg nhung chất lượng.
Anh Tiệp chia sẻ: “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nuôi hươu, từ nhỏ tôi đã cùng cha, ông chăm sóc hươu. Năm 2024, 300 con hươu đực cho sản lượng 160 kg, đem lại doanh thu 1,6 tỷ đồng. Thành công này giúp chúng tôi mở rộng liên kết với nhiều hộ nuôi trên cả nước, vừa hướng dẫn kỹ thuật vừa bao tiêu sản phẩm”, anh Tiệp chia sẻ.
Mô hình của anh Tiệp không chỉ nâng cao thu nhập cho bản thân mà còn tạo ra chuỗi giá trị bền vững, giúp các hộ nhỏ tiếp cận thị trường ổn định.
“Nhung tươi sau khi thu hoạch sẽ được bảo quản để sau này chế biến thành các sản phẩm như: nhung hươu sấy khô, bột nhung hay rượu nhung hươu… phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng tầm giá trị nhung hươu, mở rộng thị trường tiêu thụ”, anh Tiệp cho biết thêm.

Còn gia đình ông Phạm Văn Thành (trú xã Sơn Giang) năm nay có 10 con hươu đực cho lộc. Ước tính gia đình thu về khoảng hơn 100 triệu đồng.
Ông Thành cho biết, nghề nuôi hươu sao lấy nhung có từ lâu đời, với nhiều thăng trầm. Có thời điểm người dân không mặn mà với công việc này, nhưng có thời điểm con hươu còn đắt hơn vàng. Hiện nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như việc người dân biết cách chế biến nhung hươu thành nhiều sản phẩm có giá trị, thị trường được phân phối khắp mọi miền nên nghề nuôi hươu đã mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi.
“Những năm 80 là thời điểm hươu giống giá cao đỉnh điểm, một con hươu có giá cả chục triệu đồng, ai mà sở hữu được một con hươu được xem là “đại gia” rồi. Nhưng sau đó giá hươu giống cũng như nhung hươu xuống thấp. Nhưng khoảng 5 năm lại đây, nghề nuôi hươu phát triển tốt mang lại thu nhập cao, ổn định cho các hộ chăn nuôi. Đặc biệt là nhung hươu được tiêu thụ dễ dàng hơn nhờ thị trường được mở rộng ra khắp mọi miền, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Thành nói.

Những hộ chăn nuôi hươu nơi đây cũng cho biết, để con hươu cho lộc nhung phải được nuôi từ 3 năm trở lên. Hươu sao thường cho nhung từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây người chăn nuôi hươu đã chú trọng trong việc lựa chọn con giống nên sản lượng nhung ngày càng cao, một số con có thể cho 2 lứa nhung mỗi năm.
Đặc biệt, hiện nay nhiều hộ dân đã thành lập hợp tác xã, liên kết sản xuất theo mô hình trang trại, góp phần nâng cao năng suất và mở rộng thị trường tiêu thụ nhung hươu không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc. Chính vì vậy, nghề nuôi hươu lấy nhung ở Hà Tĩnh không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hương Sơn, toàn huyện hiện có 47.000 con hươu, với 22.000 con đực cho nhung. Mùa thu hoạch 2025 ước đạt 20,3 tấn nhung, mang lại giá trị 223 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho hay, ngoài cách sử dụng truyền thống như thái lát nấu chung với cháo, hay ngâm rượu, hấp với mật ong, những năm gần đây người dân trên địa bàn đã chế biến nhiều sản phẩm khác từ hươu. Trong đó, có 19 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3-4 sao.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, để đạt được kết quả như hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con như những hộ nuôi hươu giống đạt tiêu chuẩn (nhung to) sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm cho mỗi con hươu. Bên cạnh đó, những hộ nuôi từ 10 con trở lên được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết 51. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất và chế biến sản phẩm OCOP từ nhung hươu cũng được hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc.