Nhiều gửi gắm tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Các chuyên gia kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 không chỉ đề xuất các giải pháp ngắn hạn giúp nền kinh tế nhanh chóng vượt qua cú sốc Covid-19 mà còn thảo luận về các giải pháp cho trung và dài hạn, hướng tới sự phát triển bền vững.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:

Có thể xem xét tăng nợ công và bội chi ngân sách 

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 thể hiện trong tinh thần đồng hành của Quốc hội với Đảng, Chính phủ và Nhân dân cả nước trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế.

Không thể phủ nhận rằng nền kinh tế đang đứng trước những rủi ro và cú sốc khó lường. Trong bối cảnh như vậy rất cần những chính sách hỗ trợ đúng, trúng, bảo đảm an sinh xã hội, tạo dựng niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đứng vững trước tác động của đại dịch.  

Về phía chính sách tài khóa, tiền tệ có thể xem xét việc tăng bội chi ngân sách, nới nợ công và tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời cần tạo thêm nguồn lực từ việc cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế phải có quy mô đủ lớn, tính bao phủ toàn diện trong khoảng thời gian ít nhất là 2 năm để phát huy được hết hiệu quả của chính sách. Thêm vào đó cũng cần có sự hỗ trợ, khích lệ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… 

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:

Phải phát huy tối đa hiệu quả gói cấp bù lãi suất

Đợt dịch thứ 4 đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh vào trạng thái kiệt quệ. Vì vậy, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hướng đến các giải pháp cho Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội là rất kịp thời. Diễn đàn cần thảo luận và làm rõ những giải pháp chính sách cụ thể để hỗ trợ kịp thời cộng đồng doanh nghiệp. 

Được biết, trong số các chính sách được bàn thảo để hỗ trợ phục hồi kinh tế có gói cấp bù lãi suất. Nếu thực thi chính sách này thì cũng chỉ hỗ trợ được 1 phần cho những doanh nghiệp đã có hoạt động tín dụng tốt với ngân hàng. Tức là họ đã tiếp cận được tín dụng với ngân hàng, nay sẽ được tiếp cận với lãi suất thấp hơn, giảm chi phí lãi suất cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp bộc lộ sự đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Doanh nghiệp cần nhất là được vay vốn. Do đó, ngân hàng cần tính toán để cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng hơn, trên cơ sở đẩy trọng số về phương án kinh doanh khả thi của doanh nghiệp lên cao hơn tài sản thế chấp. Chỉ khi nào gỡ được điều đó mới phát huy hết ý nghĩa và hiệu quả của chính sách tín dụng cũng như việc ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội:

Tập trung thảo luận giải pháp bảo đảm an sinh xã hội 

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 cần tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ chủ yếu tập trung cho doanh nghiệp; lưới an sinh xã hội chưa bao phủ hết đối tượng lao động; những lao động phi chính thức chỉ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Vì vậy, phải quyết liệt hơn trong thiết kế và triển khai các chính sách bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong khu vực phi chính thức. Tiếp đến là mở rộng đối tượng hỗ trợ khi lao động tái hòa nhập thị trường.

Ngoài đại dịch Covid-19 thì sẽ còn nhiều thách thức khác, nếu không có chính sách thường xuyên cho người lao động thì sẽ dẫn đến sự bấp bênh, kéo theo ảnh hưởng tới nền kinh tế. Vì vậy, cần cố gắng chuyển bảo hiểm thất nghiệp sang bảo hiểm việc làm để bảo đảm mức sống cho lao động. Hơn nữa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống kết nối cung cầu lao động cũng rất quan trọng.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông:

Hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số

Công nghệ số và kinh tế số đóng góp trực tiếp, trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong và hậu đại dịch, lẫn vai trò là động cơ tăng trưởng mới cho Việt Nam trong dài hạn. Công nghệ số góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả kinh tế của các ngành hiện hữu (tài chính, thương mại, logistics…; cải thiện năng suất lao động của Việt Nam. Một số ngành kinh doanh mới như dịch vụ công nghệ số; công nghiệp nội dung và giải trí số, an toàn an ninh mạng có thể trở thành những ngành kinh doanh mũi nhọn, đóng góp lớn về giá trị xuất khẩu dịch vụ cho Việt Nam.

Để hiện thực hóa những tiềm năng lớn lao đó, 3 vấn đề mang tính nền tảng phải giải quyết là hạ tầng số quốc gia; chất lượng nguồn nhân lực cho thời đại số; và thể chế/pháp lý cho ngành kinh doanh mới trong bối cảnh thương mại và kinh tế "xuyên biên giới" đặc thù của không gian mạng toàn cầu.

Về mặt hạ tầng số, bên cạnh kết nối internet tốc độ cao (internet băng thông rộng; 5G); hạ tầng điện toán đám mây - giúp xử lý, lưu trữ dữ liệu và triển khai các công nghệ số là đặc biệt quan trọng. Song song với hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước, cần có chính sách cởi mở để thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đám mây và bảo đảm lưu thông dòng chảy dữ liệu liên quốc gia.

Về mặt nhân lực, dù có ưu thế về lực lượng kỹ sư phần mềm nhưng kỹ năng số nói chung của lực lượng lao động Việt Nam vẫn còn hạn chế, ngay cả các nước trong khu vực. Chính phủ cần ưu tiên đào tạo kỹ năng số cho người lao động; đồng thời thúc đẩy cải cách giáo dục để đưa giáo dục kỹ năng số vào hệ thống giáo dục phổ thông.

Cuối cùng, hệ thống pháp lý điều chỉnh các vấn đề cốt lõi của kinh tế và công nghệ số, gồm pháp lý về tài sản số; thương mại và dịch vụ số; pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý tranh chấp trên môi trường số cần hoàn thiện và tương thích với thế giới. Không gian mạng là xuyên biên giới, mang tính toàn cầu; hợp tác pháp lý trong các khuôn khổ liên quốc gia, khu vực là mấu chốt quan trọng để xử lý các vấn đề mới nổi này.

Minh Trang - Hạnh Nhung