Xu thế phục hồi
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cả trong và ngoài nước. Nửa đầu năm nay, thị trường giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm ngoái do suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài ở nhiều quốc gia. Đến quý III, chỉ số VN-Index đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt mức cao nhất 1.245,44 điểm trong phiên giao dịch ngày 12.9, tăng 24% so với cuối năm 2022. Thanh khoản thị trường trong quý III cũng được cải thiện đáng kể, với giá trị giao dịch bình quân đạt 24.641 tỷ đồng/phiên, tăng 80% so với mức giao dịch bình quân 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, thị trường sau đó đã có điều chỉnh mạnh, về quanh mức 1.100 điểm. Dù vậy, tính đến 30.11.2023, chỉ số VN-Index tăng 8,6% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường đạt 5.754 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2022, tương đương 60,5% GDP.
Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích, VNDirect Đinh Quang Hinh cho rằng, trong tháng 9 và 10, thị trường chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh và xóa bỏ gần hết mức tăng hồi đầu năm do những động lực hỗ trợ thị trường phai nhạt và gặp thử thách. Đó là việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh và đồng USD (DXY) đi lên đã gây áp lực tỷ giá, khiến Ngân hàng Nhà nước phải có động thái phát hành tín phiếu, hút bớt thanh khoản dư thừa khỏi thị trường để hỗ trợ tỷ giá.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng lợi nhuận của thị trường liên tục sụt giảm và dưới kỳ vọng khiến nhiều nhà đầu tư có phần thất vọng, mặt bằng định giá không còn quá hấp dẫn để hút dòng tiền mới. Khối ngoại liên tục bán ròng cũng khiến thị trường dù có đợt phục hồi trong tháng 11 nhưng mới chỉ lấy lại được một nửa mức tăng hồi đầu năm. Dù vậy, về tổng thể, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong xu thế phục hồi, tạo đà cho sự tăng trưởng tích cực hơn trong các năm tới, chuyên gia của VNDirect tin tưởng.
Động lực cho tăng trưởng
Nhìn nhận về triển vọng thị trường trong năm 2023, các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan. Ông Đinh Quang Hinh phân tích, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành và bắt đầu cắt giảm lãi suất từ 3 - 4 lần trong năm tới, giúp thúc đẩy sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó các thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam có thể hưởng lợi. Ở trong nước, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu có xu hướng phục hồi, đơn hàng dần tăng trở lại; cùng với đó là sự cải thiện của tiêu dùng nội địa nhờ chính sách tài khóa mở rộng và cải cách tiền lương cũng sẽ thúc đẩy sự cải thiện về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm tới - động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Theo Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam Trần Đức Anh, động lực cho thị trường chứng khoán năm 2024 chủ yếu dựa trên hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết. Dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết năm 2024 ước đạt 15 - 20%. Yếu tố về định giá thị trường cũng sẽ tạo tác động tích cực. Hiện, P/E thị trường đang ở mức 15 lần - mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường có chuyển biến tốt hơn.
Các chuyên gia của Công ty CP Tập đoàn FinPeace tin tưởng, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Đây cũng là điểm bắt đầu một chu kỳ lớn. Theo đó, thị trường sẽ có 2 giai đoạn tích cực rõ ràng, từ giữa đến cuối tháng 4.2024 - sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I.2024 và giai đoạn cuối năm khi sự tự tin của nhà đầu tư về thị trường quay trở lại. Những mã cổ phiếu trụ cột về vùng sâu dưới định giá sẽ là nòng cốt cho đợt tăng trở lại của VN-Index. Trong đó, vùng 1.200 - 1.250 sẽ đóng vai trò kháng cự quan trọng, cần phải vượt qua để tiếp tục xu hướng tăng dài hạn. Dự kiến, thời điểm VN-Index bứt phá khỏi khu vực kháng cự này có thể đến vào giữa hoặc cuối năm 2024.
Dù vậy, những thách thức với thị trường vẫn còn không nhỏ, cả từ trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã yêu cầu Ủy ban cần chủ động rà soát các quy định về Luật Chứng khoán để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong thời gian tới; tiếp tục rà soát để sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy định pháp luật có liên quan; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát; phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, hỗ trợ thị trường hoạt động ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn nữa. Đồng thời, cần chủ động, phối hợp với các bên liên quan để sớm nâng hạng thị trường. Những giải pháp này sẽ bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững hơn.