Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán thể hiện, năm 2024, Công ty Cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings (Mã chứng khoán: PHC) có doanh thu 1.558 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2023. Với việc giá vốn bỏ ra ở mức cao, khoản lãi gộp mà PHC thu về là hơn 87 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm trước.
Trong năm, Phục Hưng Holdings có nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính khi lên đến 38 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm trước đó. Khoản thu này cũng góp phần giúp doanh nghiệp thoát lỗ khi khấu trừ các chi phí. Tuy nhiên, trong năm, chi phí lãi vay vẫn tiêu tốn của doanh nghiệp xây dựng này đến hơn 43 tỷ đồng (chiếm gần một nửa lãi gộp).
Sau cùng, trong năm 2024, lãi ròng của PHC chỉ đạt vỏn vẹn hơn 4,7 tỷ đồng, giảm gần 45% so với năm 2023.

Nhìn vào lịch sử kinh doanh của Phục Hưng Holdings, có thể thấy mức lãi ròng của năm 2024 đã xuống thấp nhất trong giai đoạn 10 năm gần đây. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, dù doanh thu của PHC ở mức cao, thường xuyên đạt trên nghìn tỷ nhưng chỉ báo “lãi siêu mỏng”.
Thậm chí vào năm 2019, doanh thu đạt đỉnh hơn 3.719 tỷ đồng, lợi nhuận ở mức 76 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng chỉ nhỉnh 2%. Xuyên suốt giai đoạn này, lãnh đạo cao nhất của Phục Hưng Holdings vẫn là đại gia Cao Tùng Lâm với chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Về tình hình tài chính, tính tới cuối năm 2024, Phục Hưng Holdings có khối tài sản nhích nhẹ so với 1 năm trước lên 3.240 tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, doanh nghiệp có các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm một nửa khối tài sản.’
Theo thuyết minh, những khoản phải thu ngắn hạn này chủ yếu đến từ; Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Pros (81 tỷ đồng); Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (42 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark (51 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng sản xuất Thương mại Tài Nguyên (200 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất (88 tỷ đồng)…
Trong cơ cấu nguồn vốn, hết năm 2024, doanh nghiệp đang có khoản vay nợ tài chính ở mức hơn 1.400 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn.