Doanh nghiệp đứng trước khó khăn kép
Nền kinh tế nước ta đang ở trong một giai đoạn tiềm tàng nhiều biến động do chịu tác động mạnh mẽ từ những thay đổi khó lường trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Sự không chắc chắn về tương lai của chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ đặt ra bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách nước ta: làm thế nào để vừa bảo vệ nền kinh tế trước những "cơn gió ngược" từ bên ngoài, vừa ổn định kinh tế vĩ mô trong nước.
Nếu Hoa Kỳ tiếp tục áp dụng thuế đối ứng, nền kinh tế nước ta sẽ gặp nhiều thách thức nghiêm trọng. Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là những ngành hàng chủ lực sang thị trường Hoa Kỳ, sẽ chịu áp lực lớn từ việc giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, hoặc thậm chí là đóng cửa nhà máy, dẫn đến thất nghiệp gia tăng và gánh nặng an sinh xã hội tăng lên.
Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước có thể tạo ra "khó khăn kép", làm trầm trọng thêm những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Thay vì tăng thu ngân sách, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm giảm sức mua của người dân, khiến doanh nghiệp khó khăn hơn và cuối cùng làm giảm nguồn thu ngân sách.
Lấy ví dụ về mặt hàng bia rượu - tăng thuế có thể làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với hàng nhập khẩu, cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan.
Đối với ô tô pick - up, đây là phương tiện phục vụ nhiều ngành kinh tế khác nhau, đặc biệt ở nông thôn và trong ngành xây dựng, vận tải. Tăng thuế có thể làm tăng chi phí đầu vào cho các ngành này, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế.
Hoặc với mặt hàng thuốc lá, việc tăng thuế quá cao và đột ngột như trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cùng với xu hướng thắt chặt chi tiêu do lo ngại trước tác động của chính thuế quan từ Hoa Kỳ, có thể đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm lậu, kích thích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp, vốn đã là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc lá hợp pháp đang phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt về sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chất lượng và đóng góp ngân sách nhà nước. Tăng thuế sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá bán, khiến sản phẩm hợp pháp khó cạnh tranh với thuốc lá lậu có giá rẻ hơn nhiều do trốn thuế và không tuân thủ các quy định. Doanh nghiệp có thể phải đối mặt với tình trạng giảm doanh số, thu hẹp sản xuất, thậm chí có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng hơn 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong toàn chuỗi giá trị của ngành.
Ổn định thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó với " bão" thuế quan
Trong bối cảnh "bão" thuế quan đang đe dọa, việc ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước trở thành một giải pháp quan trọng để bảo vệ nền kinh tế.
Ổn định sắc thuế này sẽ giúp các doanh nghiệp có thể dự đoán và lập kế hoạch kinh doanh một cách hiệu quả hơn, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài. Đồng thời giúp duy trì sức mua của người dân, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.

Dự kiến, Kỳ họp tháng 5.2025, Quốc hội sẽ thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Để bảo đảm hiệu quả của việc ổn định thuế tiêu thụ đặc biệt, cần cân nhắc kỹ lưỡng mức thuế và thời điểm áp dụng, tránh chốt mức thuế quá sớm khi chưa có kết quả đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Cùng với đó, nên áp dụng lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý thay vì tăng đột ngột để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thời gian thích ứng.
Nếu Việt Nam chốt mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao trong Kỳ họp tới và sau tháng 7, nếu Hoa Kỳ vẫn duy trì mức thuế cao với Việt Nam thì việc điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó có thể không thực hiện được một cách nhanh chóng và linh hoạt. Việc chậm trễ trong điều chỉnh chính sách sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, cần cân nhắc kỹ lưỡng các kịch bản kinh tế vĩ mô, bao gồm cả kịch bản xấu nhất về thuế quan của Hoa Kỳ, và đưa ra phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp trong Kỳ họp Quốc hội sắp tới là vô cùng quan trọng và cấp bách, để tránh tạo khó khăn kép cho doanh nghiệp các ngành rượu bia, thuốc lá, nước giải khát có đường và ô tô.
Có thể nói, trong thế "lưỡng nan" thuế hiện tại, Việt Nam cần ưu tiên sự ổn định của nền kinh tế. Việc ổn định thuế tiêu thụ đặc biệt thay vì tăng thuế, sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ "cơn bão" thuế quan, hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.