Theo Nghị quyết, từ tháng 11.2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15.3.2022. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ và sôi động trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế. Từ đó, du lịch đã ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường… khẳng định hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam.
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có đột phá; chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến du lịch chưa được kịp thời; sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng; các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ; hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo... còn thiếu, chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, chính sách thị thực dành cho khách du lịch còn có điểm chưa phù hợp, thời hạn tạm trú còn ngắn…; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao còn ít, quy mô nhỏ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương với địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác; chưa tạo điều kiện thuận lợi trong cấp thị thực đối với khách lẻ cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững.
Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương; phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.
Giao Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế; nghiên cứu, đánh giá váo cáo chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa)… Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập cảnh. Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển...