Không có gì bảo đảm "đại học" hơn "trường đại học"
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã quy định 2 hướng phát triển cho đại học Việt Nam là “chuyển trường đại học thành đại học; liên kết các trường đại học thành đại học”. "Đại học” và “trường đại học” có gì khác nhau, thưa ông?
- Thực ra sự phân định giữa đại học và trường đại học đã được quy định từ Luật Giáo dục 1998, tức là cách đây 26 năm. Tuy nhiên, do không đạt được sự đồng thuận trong các tiêu chí phân định nên cả trong Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005, lẫn các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có bất kỳ quy định nào chỉ ra sự khác biệt. Mãi đến Luật Giáo dục đại học 2012 mới có định nghĩa về đại học. Đó là cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) bao gồm tổ hợp các trường cao đẳng, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp, để đào tạo các trình độ của GDĐH.
Định nghĩa này phù hợp với việc sáp nhập một số trường đại học thành đại học, như đã được thực hiện với hai đại học quốc gia và ba đại học vùng; nhưng không phù hợp với xu thế phát huy quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2018) đưa ra định nghĩa mềm dẻo hơn.
Trước hết sự khác nhau ở chỗ, đại học là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực; còn trường đại học là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. Tức là, đại học thì đa lĩnh vực, còn trường đại học thì đơn lĩnh vực. Điều đó dẫn đến sự khác biệt tiếp theo về cơ cấu tổ chức. Cụ thể là tổ chức của đại học phải gồm nhiều trường theo các lĩnh vực khác nhau, còn tổ chức của trường đại học chỉ gồm nhiều khoa trong cùng một hoặc hai lĩnh vực.
Tuy nhiên, để khắc phục cách làm mang tính áp đặt trước đây trong việc sáp nhập nhiều trường đại học thành đại học thì bước tiến của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là ở chỗ phát huy quyền tự chủ đại học để các trường đại học có thể chuyển đổi thành đại học theo cách hoặc là thành lập các trường đại học thuộc cơ sở GDĐH hoặc liên kết với nhau để thành đại học.
- Theo ông, khi trường đại học trở thành đại học thì các cơ sở GDĐH này được gì, sinh viên được hưởng lợi gì?
- Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề được - mất. Trước tiên, cần khẳng định rằng việc chuyển trường đại học thành đại học là một bước phát triển của nhà trường về các lĩnh vực đào tạo trên cơ sở mở rộng quy mô trường, lớp, tăng cường đội ngũ giảng viên, đa dạng hóa chương trình đào tạo. Điều này đem đến một số lợi thế cho nhà trường. Đó là tăng quy mô tuyển sinh; khả năng đáp ứng nhanh với biến động của thị trường lao động; tạo môi trường học tập đa dạng với nhiều chương trình đào tạo, nhiều trình độ đào tạo; có nhiều nguồn lực hơn để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; và do đó thường có vị thế cạnh tranh hơn trong thị trường GDĐH.
Những lợi thế đó đem lại cho sinh viên trong đại học một số ưu thế so với sinh viên trường đại học. Đó là môi trường học tập sinh động với nhiều lựa chọn về chương trình đào tạo, khả năng chuyển đổi ngành thuận tiện hơn, khả năng học tiếp lên trình độ cao cũng thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, xét về chất lượng thì không có gì bảo đảm là đại học hơn trường đại học. Do chỉ tập trung vào một hoặc hai lĩnh vực nên với sự tập trung chuyên sâu, trường đại học vẫn có thể nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên trường đại học khi đó sẽ có lợi thế là được học trong môi trường thân thiện, hướng tới đổi mới sáng tạo, với những quan hệ gần gũi hơn giữa sinh viên với sinh viên cũng như giữa sinh viên với giảng viên.
Chuyển đổi để nâng cao hiệu quả - chi phí đào tạo
- Nhiều ý kiến cho rằng, với tiềm lực hiện nay của giáo dục đại học Việt Nam, việc trường đại học trở thành đại học theo kiểu “chín ép”, chạy đua theo phong trào. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Trước hết, theo tôi, việc trường đại học xây dựng lộ trình để chuyển đổi thành đại học là tùy theo chiến lược phát triển của nhà trường trên cơ sở phân tích đầy đủ tiềm lực của mình cùng các yếu tố tác động.
Trong bối cảnh hiện nay khi hệ thống cơ sở GDĐH Việt Nam còn khá nhiều nhà trường nhỏ lẻ, đơn lĩnh vực, phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa hơn là kinh tế thị trường thì việc chuyển đổi là cần thiết để nâng cao hiệu quả - chi phí trong đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã chỉ ra cần sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.
Theo đó, trong Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 209 ngày 17.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học quy mô nhỏ, đơn ngành hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng. Đó là định hướng. Còn tiêu chí, điều kiện để trường đại học có thể chuyển thành đại học cũng chặt chẽ và yêu cầu cao, dù là theo hình thức nào. Tiêu cực rất khó xảy ra vì một trường đại học không đạt đủ các điều kiện quy định mà được công nhận là đại học sẽ bị cộng đồng đại học nhận ra ngay. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ không có chuyện "chín ép".
- Nhưng vẫn có lo ngại về việc các trường đại học thành đại học để tạo danh tiếng, phục vụ mục đích tuyển sinh…?
- Lo ngại như trên là không có cơ sở. Điều tôi băn khoăn chỉ ở chỗ quy định về điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học đặt ra yêu cầu cao về chất lượng (nhà trường đã được kiểm định và công nhận về chất lượng) và trình độ đào tạo (có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; trường trực thuộc phải có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ). Trong khi đó, quy định về điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học lại không có bất kỳ yêu cầu nào về chất lượng cũng như trình độ đào tạo. Như vậy là thiếu sự nhất quán. Vì vậy, cần có sự xem xét lại.
Ngoài ra cũng nên có quy định về giám sát, đánh giá và xử lý vi phạm sau khi trường đại học đã được công nhận là đại học để bảo đảm rằng quy chế tổ chức và hoạt động của đại học sau khi thành lập được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!