Nhận thức đúng về văn hóa học đường

- Thứ Năm, 01/07/2021, 05:54 - Chia sẻ
Văn hóa học đường là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện cột đỡ “học để làm người” của giáo dục. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn ít được coi trọng mặc dù sự xuống cấp của văn hóa học đường đã được cảnh báo. Hiện nay, chưa có nhiều nhà trường nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và chú trọng xây dựng văn hóa học đường.

Cột đỡ “học để làm người”

"Văn hóa học đường là chìa khóa thành công đổi mới giáo dục, đặc biệt, từ đó sẽ giải quyết được vấn đề tư tưởng, môi trường làm việc của giáo viên. Thực tế cho thấy, với doanh nghiệp, dù vẫn con người ấy, chế độ lương ấy, nhưng văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo ra sức mạnh. Với nhà trường cũng vậy, giáo viên yêu nghề dần ít đi, không hẳn chỉ vì lương, mà bởi bầu không khí trong nhà trường. Vì vậy, nếu xây dựng được văn hóa học đường sẽ làm thay đổi bầu không khí hiện nay, để giáo viên yêu nghề, tiếp tục cống hiến".

TS. Lê Thống Nhất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Trường học Việt Nam

“Ở góc độ người quản lý giáo dục phổ thông, tôi thấy rằng hiện nay văn hóa học đường vô cùng quan trọng. Dù cùng thực hiện mục tiêu giáo dục chung, nhưng mỗi nhà trường phải có văn hóa riêng. Từ thực tế làm giáo dục hơn 50 năm, khi quản lý Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm là trường tư, bắt buộc chúng tôi phải xây dựng được văn hóa nhà trường. Trường xây dựng 5 giá trị cốt lõi: trung thực, đoàn kết, sáng tạo, chủ động, nhân ái. Các giá trị này phải được đào tạo nhuần nhuyễn không chỉ cho học sinh, cho giáo viên, mà còn cho phụ huynh. Việc xây dựng văn hóa học đường hướng tới mỗi ngày đến trường là một ngày vui, không chỉ với học sinh, mà còn với cả giáo viên. Có thể nói, Đoàn Thị Điểm thành công vì xây dựng được văn hóa nhà trường, và văn hóa này phù hợp với yêu cầu của phụ huynh, học sinh” - NGƯT. Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tham vấn chuyên gia để tổ chức diễn đàn chủ đề “Văn hóa học đường - Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay”.

Văn hóa học đường không phải vấn đề mới. Theo TS. Lê Thống Nhất - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Trường học Việt Nam (Vina School), từng có nhiều hội thảo khoa học về vấn đề này, nhiều nhà khoa học cả trong nước và trên thế giới đã nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay, việc đưa ra bàn thảo về văn hóa học đường vẫn rất “trúng”, có thể là điểm gỡ những tồn tại của ngành giáo dục.

Thực tế, ngành giáo dục cũng trăn trở nhiều về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT, ngày 12.4.2019, quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Bộ quy tắc đã quy định khá đầy đủ nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục, nhưng nhiều nhà chuyên môn cho rằng, chưa có cơ chế thực hiện để xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện...

Xây dựng văn hóa học đường để thực hiện thành công đổi mới giáo dục - Nguồn: ITN

Chìa khóa” đổi mới giáo dục

GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Nói tới văn hóa có nhiều định nghĩa, nhưng có thể hiểu là giá trị chuẩn mực, khuôn mẫu chung trong cộng đồng nào đó. Và chúng ta phải nhìn văn hóa học đường không thể tách rời văn hóa xã hội, bởi vì nhà trường là hệ thống mở, luôn tương tác với mọi thứ xung quanh. Sự hình thành văn hóa học đường không chỉ phụ thuộc vào các hoạt động trong trường, mà còn chịu ảnh hưởng của xã hội, chẳng hạn hệ thống phim ảnh, truyền thông, ứng xử bên ngoài cổng trường... Bên cạnh yếu tố vô hình, còn có những yếu tố hữu hình ảnh hưởng tới văn hóa học đường, chẳng hạn, cảnh quan sư phạm, không gian trường học có phù hợp hay không...

Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hiền nhận định, xây dựng văn hóa học đường phải kết hợp 3 yếu tố: nhà trường - gia đình - xã hội. Đặc biệt hiện nay môi trường xã hội quá phức tạp, nếu xây dựng văn hóa học đường mà không đưa ra sự kết hợp này sẽ không thành công. Chẳng hạn, khi học sinh đi học, nhà trường yêu cầu về tác phong, trang phục, nhưng về nhà cha mẹ khuyến khích ngược lại thì khó có hiệu quả tốt...

Văn hóa học đường đã được truyền thông nói tới nhiều, nhưng nếu cứ nhìn vào bất cập, tiêu cực, có thể không có được cái nhìn đúng về vấn đề này. Do đó, PGS. TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đề nghị cần nghiên cứu một cách khoa học để nhìn nhận chính xác, từ đó đưa ra giải pháp đúng đắn. Lĩnh vực này vốn rất rộng, và việc nghiên cứu tìm giải pháp có thể tập trung vào yếu tố cốt lõi nhất, đó chính là mối quan hệ trong nhà trường, không chỉ có mối quan hệ thầy - trò, mà còn có quan hệ quản lý - giáo viên, thầy - thầy, trò - trò, gia đình - nhà trường... Mặt khác, trường học là tổ chức về học tập, nên không chỉ là văn hóa ứng xử của nhà quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh, mà còn là văn hóa học tập, nhất là khi nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh đang chạy theo thành tích...

Nhiều năm qua, văn hóa học đường là một trong những vấn đề “nóng”, khi diễn ra không ít vụ bạo hành, những ứng xử không chuẩn mực trong môi trường học đường... Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng được văn hóa trong trường học cần có sự kết hợp liên bộ, liên ngành và toàn xã hội, trong đó đóng vai trò quan trọng là ngành giáo dục và văn hóa, cùng thực hiện mục tiêu chung là xây dựng con người Việt Nam.

Ngọc Phương