Mực nước biển dâng toàn cầu đang tăng với tốc nhanh, tăng 3,1mm/năm vào năm 1990 và 2,5mm/năm vào giai đoạn 2003-2007. Các dự báo nước biển dâng đến năm 2100 rất khác nhau: tối thiểu 0,2m và tối đa đạt đến 2m. Nước biển dâng khiến nhiều đảo nhỏ sẽ chìm dưới mực nước biển, các vùng đất thấp ven biển bị ngập chìm, tăng ngập lụt ven biển, thâm nhập mặn sâu vào nội đồng, tăng xói lở bờ biển, ngập lụt đô thị ven biển và phá hủy các nơi cư trú tự nhiên ven biển của các loài. Các vùng chịu rủi ro cao đối với nước biển dâng là các vùng ven biển có dân cư tập trung đông đúc, đói nghèo, dân trí thấp và thiếu năng lực thích ứng chủ động (còn gọi là vùng dễ bị tổn thương) như: toàn bộ vùng ven biển châu Phi, từ Ấn Độ kéo liên tục đến Trung Quốc, vùng bờ các nước Đông Nam Á và các quốc đảo ở vùng biển Caribe. Trên thế giới có khoảng 145 triệu người sống trong các vùng ngập nước trung bình 1 mét, trong đó hơn 70% là ở châu Á. Nước biển dâng cũng do các nguyên nhân khác nhau (không chỉ do biến đổi khí hậu) và gây ra các tác động khác nhau đối với các quốc gia đảo nhỏ và vùng ven biển, tùy thuộc khả năng chống chịu.
Nước biển dâng do tan băng ở các cực của Trái đất, các mũ băng trên các đỉnh núi cao, lớp phủ băng của đảo Greenland, do giãn nhiệt của đại dương và do sự lấp trầm tích dưới đáy đại dương. Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng, khối băng khổng lồ ở tây Nam Cực có diện tích bằng cả bang Texas và Colorado của Mỹ cộng lại (932.000km2) đang dần tan chảy với tốc độ 5cm/năm và có thể biến mất hoàn toàn trong 7.000 năm tới. Khi ấy, mực nước biển trên toàn thế giới sẽ tăng lên 4,8m so với ngày nay, đủ để nhấn chìm vô số hòn đảo và rất nhiều vùng đất thấp ven biển, trong đó có thủ đô của không ít quốc gia. Kết quả đo đạc địa chất cho thấy khối băng này đã bắt đầu tan chảy liên tục từ 10.000 năm trước đây, trong khi Trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính gây ra biến đổi khí hậu chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây cùng với quá trình công nghiệp hóa trên thế giới. Rôbớt Ackét thuộc Viện Hải dương học Mỹ cảnh báo rằng hiện tượng nóng lên của Trái đất có thể đẩy nhanh quá trình tan chảy của khối băng nói trên.
![]() |
Các hoạt động tự nhiên dưới đáy và từ trong lòng đất dưới đáy biển và đại dương cũng đưa lên một lượng vật liệu đáng kể từ các hoạt động núi lửa. Vào năm 1923, tại vùng biển miền trung Việt Nam đã xảy ra hoạt động núi lửa ngầm dưới nước với lượng lớn vật liệu dạng tro bụi, tạo ra Hòn Tro có đỉnh nhô lên khỏi mặt nước nhưng bị sóng “cắt ngọn” chỉ sau một đêm. Vật liệu sản sinh từ hoạt động núi lửa này đã phân bố lan tỏa ra đáy biển xung quanh và tạo thành đảo núi lửa ngầm. Tháng 9.2013, một hòn đảo mới nhất trên thế giới gồm một đống hỗn hợp bùn, cát và đá cứng từ đáy biển đã trồi lên khỏi mặt nước khi có chấn động với áp suất cao từ trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Pakistan. Đảo có hình dạng tròn, với nhiều vết rạn nứt và tương đối bằng phẳng, trông như một chiếc “bánh bùn”, dài từ 75 - 90 mét và nhô cao trên mặt biển khoảng 15 - 20 mét. Mực nước xung quanh đảo chỉ sâu gần 15 - 20 mét và người dân địa phương đã đặt tên cho hòn đảo là Zalzala Koh. Theo các chuyên gia địa chất Mỹ dự đoán, đảo Zalzala Koh sẽ tồn tại 1 năm trên biển, trước khi chìm xuống.
Như vậy, biến đổi khí hậu khiến cho nước biển dâng lên, nhưng nước biển dâng lại không chỉ do biến đổi khí hậu. Như nói trên, nước biển còn dâng “chân tĩnh” do trầm tích bồi lấp, chiếm chỗ trong đại dương có thể tích gần như không đổi. Ngoài ra, họat động sụt lún kiến tạo-địa chất ở một số khu vực ven biển cũng gây ra hiện tượng nước biển dâng “tương đối” và xảy ra cục bộ ở ven biển liên quan đến hiện tượng đất sụt lún nhiều hơn nước biển dâng ở cùng địa điểm, khiến ta có cảm giác nước biển dâng trong khi thực tế lại là đất bị lún xuống. Đây là những vấn đề cần lưu ý khi lựa chọn thực thi các biện pháp giảm thiểu và thích ứng đối với nước biển dâng cho các vùng ven biển cụ thể, không nên chỉ “đổ lỗi” cho biến đổi khí hậu, trong khi có thể lại là nước biển dâng tương đối. Rõ ràng, nguyên nhân nào thì phải chọn áp dụng giải pháp tương ứng.
Con người sống trong các vùng bờ biển rủi ro như vậy chỉ có 2 sự lựa chọn quan trọng để ứng phó với nước biển dâng: chống chọi hoặc chạy trốn. Chống chọi bao gồm củng cố hoặc xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển - đập ngăn biển, đê biển và các cơ sở hạ tầng khác, kể cả các giải pháp công trình mềm (trồng rừng ngập mặn, v.v). Chạy trốn bao gồm chuyển chỗ ở (tái định cư) của người dân và các công trình dài hạn từ vùng trũng thấp lên vùng đất cao (tái định cư). Cộng đồng quốc tế thừa nhận rằng cần ưu tiên giải pháp thích ứng, giải pháp phi công trình khi xem các hệ sinh thái ven biển là “cơ sở hạ tầng tự nhiên”. Các giải pháp giảm thiểu sẽ tránh được những tổn thất và chi phí lớn, mang tính dài hạn và cần gắn với các cam kết chính trị để huy động tối đa nguồn lực chống đỡ với nước biển dâng. Kribati là quốc đảo san hô ở Nam Thái Bình Dương sẽ bị ngập chìm đầu tiên trên thế giới theo kịch bản nước biển dâng. Tổng thống nước này tuyên bố lựa chọn giải pháp thích ứng bằng cách chuyển toàn bộ diện tích đất nước sang thành lập một khu bảo tồn biển có diện tích lớn nhất thế giới hiện nay. Tiếp theo ông chỉ đạo nhân dân chuẩn bị sống trên các thành phố, làng mạc nổi trên biển, và tính đến việc mua đất ở Úc để tị nạn nếu người dân nào có nhu cầu.
Thảm họa sóng thần năm 2004 ở Nam Á cho thấy ở đâu có rừng ngập mặn là ở đó không có những thiệt hại lớn về người và của. Năm 2006 nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đưa ra Liên hiệp quốc sáng kiến “Rừng ngập mặn cho tương lai” và Quỹ của ông tiên phong tài trợ phục hồi/trồng mới rừng ngập mặn để khắc phục hậu quả sóng thần gây ra. Từ năm 2010, Việt Nam là thành viên của sáng kiến này với các dự án nhỏ ưu tiên ở cấp cộng đồng để “đầu tư cho các hệ sinh thái ven biển, đặc biệt rừng ngập mặn” với tư cách là cơ sở hạ tầng tự nhiên và nguồn vốn tự nhiên cho bảo vệ vùng bờ biển và hướng tới tăng trưởng xanh ở vùng này.
Việt Nam đang hướng các ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở vùng ven biển vào các giải pháp công trình thường tốn kém, trong khi không chú trọng các giải pháp phi công trình vừa rẻ vừa có tác động tích cực trong dài hạn. Đặc biệt có thể thấy rõ ở khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Các giải pháp thích ứng ít được áp dụng, trong khi chúng ta đang yêu cầu “chuyển từ đối phó bị động, sang ứng phó chủ động”.