Nhân lực là yếu tố then chốt trong chuyển đổi số

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:17 - Chia sẻ
Hiện nay, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, mà còn cả của người lao động. Tốc độ phát triển nhanh của công nghệ cũng như ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm qua đã khiến doanh nghiệp và người lao động nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Yếu tố con người rất quan trọng

Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số ở Thủ đô Hà Nội là rất lớn bởi trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số, hầu hết doanh nghiệp, tập đoàn lớn tập trung ở Hà Nội. Theo Cục Thống kê Hà Nội, Thủ đô có tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên là 44,7% (khu vực thành thị có tỷ lệ gấp 2 lần khu vực nông thôn). Người có việc làm sử dụng internet chiếm tỷ lệ 78,2%. Trong đó, nhóm có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất, ở mức 60,8%. Xét theo mục đích sử dụng internet, các nhu cầu giải trí, tìm kiếm thông tin, thực hiện các hoạt động kinh doanh, giao dịch trực tuyến có tỷ lệ rất cao.

	Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số Nguồn ITN
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số
Nguồn ITN

Đây là nguồn nhân lực quan trọng để cung ứng các nền tảng, ứng dụng xây dựng chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số. Tương tự, các cơ sở giáo dục, đào tạo lớn về công nghệ đa phần cũng tập trung ở Hà Nội, sẵn sàng tham gia đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số và tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân chia sẻ, khi các doanh nghiệp muốn đẩy nhanh phát triển công nghệ cần lưu ý ở từng giai đoạn, yếu tố con người đều đóng vai trò quan trọng. “Việc nâng cao kỹ năng hay đào tạo lại nguồn nhân lực là nhu cầu ngày một quan trọng để họ có thể tham gia vào nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và Chính phủ cần hợp tác để nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng những nhu cầu về nhân lực trong tương lai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm cho Việt Nam”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh vai trò của nhân sự trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.

Dồi dào nguồn nhân lực bài bản

Về nhân lực công nghệ, Hà Nội cũng có lợi thế khi nhiều doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sau 1 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg (ngày 24.1.2020) về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đã có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động lên hơn 58.000 đơn vị. Trong đó phần lớn nằm trên địa bàn Hà Nội và một số thành phố lớn khác.

Quá trình chuyển đổi số rộng và mang tính bao trùm, vì vậy để chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra trước hết vẫn là phải nâng cao nhận thức, từ lãnh đạo cơ quan, đơn vị đến từng cán bộ, công chức, viên chức, từng doanh nghiệp, người dân. Thêm vào đó, cần có những chương trình tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Theo dự thảo Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực hội nhập toàn cầu. Hà Nội cũng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việc chủ động nguồn nhân lực có vai trò quan trọng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số ở mỗi đơn vị, doanh nghiệp, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số như mục tiêu đề ra.

Rõ ràng, chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Do vậy, sự chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số là quan trọng hơn bao giờ hết.

Văn Anh