Nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học cống hiến

- Thứ Bảy, 09/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nguyên Phó chủ tịch Quốc Hội, Chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Giáo sư Vũ Đình Cự. Theo đánh giá của Giáo sư Vũ Đình Cự, khoa học và công nghệ đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển và hội nhập của đất nước.

- PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của KH và CN đối với sự phát triển của đất nước ta thời gian qua?

- Nguyên Phó chủ tịch QH Vũ Đình Cự:  Theo tôi, trong thời gian qua, KH và CN có những bước tiến quan trọng, đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT- XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi đưa nước ta hội nhập với khu vực và trên thế giới. Nhiều tiến bộ khoa học, nhiều quy trình sản xuất tiến bộ được đưa vào nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất và đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao…

Tôi lấy ví dụ, trong nông nghiệp, nhờ KH và CN mà nhiều giống mới, quy trình canh tác mới được đưa vào sản xuất đã góp phần đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực tiến lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhờ nghiên cứu và ứng dụng nhiều tiến bộ KHCN mà ngành công nghệ thông tin nước ta có những bước tiến lớn và có tiếng nói trên thế giới.

Tương tự, trong lĩnh vực y tế, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều công nghệ kỹ thuật cao (xử lý tế bào gốc, tạo da để chữa bỏng, thụ tinh ống nghiệm, ghép tạng,...) và phác đồ điều trị tiên tiến đã được áp dụng trong chuyên khoa tim mạch, sản, ngoại khoa, giúp chữa trị kịp thời nhiều bệnh nan y và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng so với việc điều trị ở nước ngoài.
Hay trong công nghiệp, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam đã tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo được nhiều thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng; làm chủ công nghệ đóng tàu trọng tải lớn; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản; thiết kế, thi công công trình quy mô lớn, phức tạp, các loại cầu vượt sông khẩu độ lớn, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện quy mô lớn, các công trình nhà cao tầng, công trình ngầm và nhiều công trình đặc thù khác.

05-Nha-nuoc-910-300.jpg

- PV: Thưa ông, đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam có vai trò như thế nào đối với những thành tựu của KH-CN suốt 50 năm qua?

- Nguyên Phó chủ tịch QH Vũ Đình Cự: Vai trò của các nhà khoa học, trí thức là rất to lớn trong công cuộc kháng chiến cứu quốc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hiện nay. Nhờ KH và CN mà nhiều loại phương tiện và vũ khí mới được chế tạo thành công và sử dụng rất hiệu quả, nhiều tiến bộ khoa học được đưa vào sản xuất để tăng gia sản xuất phục vụ cho cuộc kháng chiến, kiến quốc đi đến thắng lợi.

Trong giai đoạn hiện nay, theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển KH và CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến 2010 đã chỉ rõ: “Cùng với giáo dục - đào tạo, KH và CN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển KT- XH, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa vào KH và CN…”. Cho nên, vai trò, vị trí của nhà khoa học là phải kiên trì và sáng tạo trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH và CN vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Hiện nay, khoa học là một bộ phận quan trọng của đời sống sản xuất, xã hội, nó trực tiếp đi vào sản xuất, tất cả mọi mặt của hoạt động của con người đều gắn với KH và CN cho nên vai trò của khoa học rất quan trọng. Nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học cống hiến cho KH và CN.

- PV: Vậy còn trách nhiệm của các nhà khoa học Việt Nam thì sao, thưa ông? 

- Nguyên Phó chủ tịch QH Vũ Đình Cự: Theo tôi, các nhà khoa học hiện nay có ba nghĩa vụ rất lớn.
Trước hết, các nhà khoa học phải nêu lên được những bài toán, những vấn đề khoa học rất bức xúc hiện nay ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung như vấn đề nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu, vấn đề hợp tác khoa học…

Thứ hai, phải có giải pháp khoa học để góp phần làm cho dân mình nghèo ít đi, đời sống xã hội ngày càng đi lên, phải có tầm mức như thế nào đối với khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, phải tập trung nghiên cứu để nước ta có một hay nhiều sự nổi bật về khoa học, hay một công nghệ nào đó đứng đầu thế giới. Cái đó có thể làm được vì tài nguyên thiên nhiên của chúng ta rất đa dạng. Tôi lấy dẫn chứng, bô-xít, than của nước ta có trữ lượng rất lớn, chúng ta phải nghiên cứu để tạo ra công nghệ khai thác, chế biến các khoáng sản đó mang thương hiệu Việt Nam và có tầm cỡ thế giới .

- PV: Chính Ông nhận định như thế nào về chính sách pháp luật của nước ta về KH và CN, cũng như cơ chế tài chính cho hoạt động này?

- Nguyên Phó chủ tịch QH Vũ Đình Cự:  Có thể khẳng định rằng, nhờ cơ chế chính sách hợp lý, linh hoạt đã tạo động lực thúc đẩy nền khoa học của chúng ta ngày một phát triển. Luật KH và CN cùng với 7 bộ luật chuyên ngành như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao… cho thấy hệ thống pháp luật về KH và CN của nước ta ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Bên cạnh đó, để thu hút nhân tài cho lĩnh vực KH và CN, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện làm việc tốt như xây dựng phòng thí nghiệm… để các nhà khoa học yên tâm làm việc. 

Việc đổi mới cơ chế tài chính cũng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KH và CN. Năm 2008, Quỹ phát triển KH và CN Quốc gia đã chính thức đi vào hoạt động, bên cạnh đó còn có Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đây là những kênh tài chính rất quan trọng và phù hợp với sự phát triển của KH và CN.

Theo tôi, kinh phí cho hoạt động khoa học của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ở nước ta, mỗi năm Chính phủ chi ra 2% của tổng chi ngân sách, tính ra chỉ khoảng 0,5 % GDP để phát triển KH và CN. Con số này là rất thấp so với nhu cầu thực tiễn. Ở Hàn Quốc, đầu tư cho KH và CN là 5,5% GDP. Như vậy chúng ta mới bằng 1/5 Hàn Quốc. Để KH và CN đóng vai trò then chốt và là quốc sách hàng đầu thì chúng ta cần tăng kinh phí cho sự nghiệp KH và CN tăng lên, không phải là 2% tổng chi ngân sách mà là trên 2% GDP.

- PV: Xin cám ơn nguyên Phó chủ tịch QH!

Trần Thành thực hiện