Người Việt đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 07:19 - Chia sẻ
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tại Hội thảo "Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số" vừa được tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hóa khác, nếu không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề này thì già hóa dân số sẽ trở thành gánh nặng rất lớn với đất nước.

Chất lượng nhân lực còn hạn chế

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Quan trọng hơn, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036 - đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.

"Đặc biệt, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước cũng già hoá khác, đã và đang tạo ra nguy cơ "chưa giàu đã già" nếu không tận dụng tốt cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số" - ông Thanh quan ngại.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, có hai vấn đề cơ bản đặt ra cho Việt Nam. Đầu tiên, thời gian để tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao. Đến nay, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ mới đạt 24,5%; nếu tính cả số việc làm trong khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ việc làm phi chính thức chiếm hơn 2/3 tổng số việc làm của toàn nền kinh tế. Thực tế này là rào cản đối với việc tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kìm hãm nỗ lực tăng nhanh năng suất lao động.

Thứ hai, tốc độ già hóa dân số nhanh, trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ. Đến hết năm 2020, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng; hệ thống dịch vụ chăm sóc  người cao tuổi còn chưa đầy đủ cả về số lượng và chất lượng. Thực tế này làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách nhà nước và đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039

Cần giải pháp phù hợp

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, xác định công tác dân số, chuyển đổi nhân khẩu học và phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chính sách, chiến lược, chương trình về dân số, lao động, việc làm để sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước. Nhờ vậy, tốc độ tăng dân số được kiểm soát ở mức hợp lý; tuổi thọ bình quân của người dân được cải thiện nhanh; trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng tiến bộ. Đặc biệt, chỉ số phát triển con người của Việt Nam năm 2019 đạt 0,704, được xếp vào nhóm "các quốc gia phát triển con người cao", đứng ở vị trí 117 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thứ trưởng cũng thông tin, theo tiêu chí thất nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế, nước ta thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới.

Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với già hóa dân số, Bộ đã thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31.12.2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và xây dựng Đề án "Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số", dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5.2021.

Theo đó, Đề án nêu rõ 4 mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2030, tăng đáng kể lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo để chuyển đổi việc làm; tăng cường duy trì việc làm, phát triển việc làm bền vững, giảm thiểu thất nghiệp và giảm tình trạng thanh niên không có việc làm, không đi học và không tham gia hợp đồng kinh tế; bảo đảm an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi; tăng cường chăm sóc xã hội, chăm sóc dài hạn và môi trường sống thân thiện cho người cao tuổi. Trọng tâm của Đề án này nhằm phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với già hóa dân số, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Tùng Dương