Theo đó, khách hàng vay vốn là tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng: Người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá. Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù...
Điều kiện vay vốn gồm: Nếu là người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn phải có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm.
Nếu là cơ sở sản xuất kinh doanh thì phải được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm a khoản này và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận theo Mẫu số 02 kèm theo Quyết định này.
Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải thuộc trường hợp không còn dư nợ tại NHCSXH đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.
Phương thức cho vay: Đối với người chấp hành xong án phạt tù, thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thì NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
Mức vốn cho vay đối với vay vốn để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù; tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Đặc biệt, người chấp hành xong án phạt tù vay vốn đào tạo nghề và vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật và NHCSXH về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vay vốn. NHCSXH hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 10 năm 2023.