Người chắp bút dự thảo Hiến pháp năm 1946

- Thứ Tư, 02/09/2020, 08:44 - Chia sẻ
Luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên, cũng là người chắp bút bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

Ban hành hơn 30 Sắc lệnh trong 181 ngày

Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13.3.1912 trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước ở thôn Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông (nay là TP Hà Nội).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Luật sư Nguyễn Trọng Khánh.
Nguồn: ITN
 

Năm 1920, ông theo học tại trường Lycee Albert Surrant do Pháp mở. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường Vũ Trọng Khánh đã là một học sinh xuất sắc. Ông được các giáo viên người Pháp đánh giá cao. Năm 1932, sau khi đỗ tú tài, ông học Đại học Luật ở Hà Nội. Đến năm 1936, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân luật. Trong thời gian này, ông kết hôn với bà Trịnh Ngọc Lan, em gái luật sư nổi tiếng Trịnh Đình Thảo (1901 - 1986) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Trần Trọng Kim sau này (1945).

Sớm có tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng nên ngay sau khi ra trường, ông không ra làm quan tri huyện, tri phủ như ý muốn của cha ông bởi ông coi “các quan ta là kẻ hầu nhục nhã của các quan Pháp”. Vì vậy, ông tìm về Hải Phòng làm thư ký cho Văn phòng luật sư Laubies.

Năm 1941, ông trở thành luật sư chuyên nghiệp, bào chữa cho nhiều chiến sĩ cách mạng tại tòa án của chính quyền thực dân Pháp, được rất nhiều người tin tưởng và kính trọng. Giai đoạn 1943 - 1945 tại Hải Phòng, Luật sư Vũ Trọng Khánh đã sử dụng chuyên môn nghiệp vụ và các mối quan hệ của mình để có nhiều hoạt động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển của phong trào cách mạng. Thậm chí, ông còn có ý định lên chiến khu hoạt động.

Luật sư Nguyễn Trọng Khánh và vợ.
Nguồn: ITN

Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ. Ông tham gia tổ chức mít tinh thành lập Ủy ban Hành chính cách mạng Hải Phòng và được cử giữ chức Ủy viên Hành chính. Tháng 7.1945, ông nhận chức Thị trưởng (Đốc lý) TP Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim với dụng ý bảo vệ Việt Minh, không để cho kẻ xấu nắm giữ chức vụ này để làm hại cách mạng. Đồng thời, ông đã liên hệ với cán bộ Việt Minh là ông Vũ Quốc Uy và liên lạc với ông Nguyễn Bình, Tư lệnh chiến khu Đông Triều để chuyển giao chính quyền Hải Phòng cho Việt Minh ngày 23.8.1945 trong hòa bình.

 Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ ngày 28.8.1945), khi ấy ông mới 33 tuổi. Ngay sau khi giành được chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3.9.1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc lập hiến là một trong “những vấn đề cấp bách hơn cả”. Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp. Sắc lệnh số 34/SL ngày 20.9.1945 thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp gồm có 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. 6 thành viên còn lại gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại), Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Tổng Bí thư Trường Chinh), Đặng Thai Mai.

Tại phiên cuối cùng của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban chủ trì, Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước. Bản dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận, hoàn thiện và thông qua ngày 9.11.1946.

Trong bối cảnh Chính phủ lâm thời mới được thành lập, Hiến pháp và các đạo luật chưa được ban hành, việc quản lý đất nước bằng các sắc lệnh là vô cùng quan trọng. Trước tình thế cấp thiết ấy, trong 181 ngày làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông đã soạn thảo trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành hơn 30 Sắc lệnh làm nền tảng cho thể chế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn thành trọng trách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao phó.

Trong hơn 30 Sắc lệnh đó, phải kể đến Nghị định số 37 ngày 1.12.1945 do Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký. Nghị định 37 đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp khi ấy gồm: Phòng sự vụ nội bộ, Phòng viên chức và kế toán, Phòng giám đốc hộ vụ, Phòng giám đốc hình vụ, Phòng giám đốc việc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.

Cuốn sách về Luật sư Nguyễn Trọng Khánh.
Ảnh: Thục Quyên

Hà Nội vinh danh vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên Vũ Trọng Khánh chỉ giữ chức vụ trong vòng 6 tháng. Lý do ông không được tiếp tục giữ chức Bộ trưởng là Điều 47 Hiến pháp năm 1946 có ghi: “… Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách…”, tức là Bộ trưởng nhất thiết phải là nghị viên (Đại biểu Quốc hội). Tuy chỉ giữ chức trong thời gian ngắn nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tư pháp của nền cộng hòa non trẻ.

Tháng 6.1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Huỳnh Thúc Kháng nắm quyền Chủ tịch Nước đã ký quyết định cử Luật sư Vũ Trọng Khánh sang tham gia Hội nghị Fontainbleu và làm cố vấn pháp lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này đang thăm và làm việc tại Pháp. Kháng chiến bùng nổ, từ tháng 12.1946 đến tháng 12.1948, Luật sư Vũ Trọng Khánh giữ chức vụ Giám đốc Tư pháp Chiến khu 10 gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Từ năm 1949 đến tháng 12.1951, ông là Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý. Giai đoạn 1951 - 1954, ông làm Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp.

Tháng 10.1954, miền Bắc được giải phóng, Luật sư Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Đoàn quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Sau đó, ông tình nguyện tham gia tiếp quản Hải Phòng vì “ham muốn hoạt động trong thực tế thiết thực”. Từ năm 1955 - 1961, ông giữ chức vụ Ủy viên Hành chính, rồi Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hành chính TP Hải Phòng.

Ngoài ra, ông còn giữ các chức vụ đoàn thể khác của TP Hải Phòng như Đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Hải Phòng, Hội trưởng Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hải Phòng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng, Trưởng ban Vận trù học, tham gia Đoàn Luật sư và là bào chữa viên Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng.

Do có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Tổ quốc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh (1994); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1961); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất (1986)… Luật sư Vũ Trọng Khánh qua đời tại Hải Phòng ngày 22.1.1996 (hưởng thọ 84 tuổi).

Khi ông mất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia buồn: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.

Để ghi nhận công lao của ông, người đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm huyết xây dựng thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ấn phẩm “Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên” đã được xuất bản năm 2015 với sự phối hợp của nhiều tác giả nhân 70 năm Ngày truyền thống ngành tư pháp (28.8) và kỷ niệm 20 năm ngày ông đi xa. Cuốn sách giới thiệu nhiều tư liệu lịch sử quý liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lời chia buồn nêu trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đăng trang trọng trong cuốn sách này.

Hơn 20 năm ngày ông mất, nhằm khẳng định những cống hiến của Luật sư Vũ Trọng Khánh đối với đất nước và cách mạng, tên của ông đã được HĐND TP Hà Nội đặt cho một con phố đẹp trên địa bàn quận Hà Đông. Phố này dài 1.210m, chiều rộng 20m, đoạn từ ngã ba giao cắt đường Trần Phú tại điểm đối diện trụ sở 2 Công an TP Hà Nội, đến ngã ba giao cắt phố Tố Hữu. Như vậy, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên vinh danh những đóng góp to lớn của vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Việt Nam.

Chia sẻ về quyết định của thành phố Hà Nội, con trai út của cố Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên - ông Vũ Trọng Khải cho hay, việc đặt tên cho một tuyến phố mới tại quận Hà Đông rất có ý nghĩa bởi đây chính là quê nhà của Luật sư Vũ Trọng Khánh; đồng thời, thể hiện sự ghi nhận, vinh danh của Hà Nội đối với những cống hiến của bố ông cho đất nước và cách mạng.

Thục Quyên