Vai trò của người dân trong quy trình lập hiến

Quốc hội lập hiến

- Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:13 - Chia sẻ
Quốc hội lập hiến (hoặc Hội nghị lập hiến) là cơ quan đại diện do nhân dân, được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu hoặc do đại cử tri bầu, hoàn toàn như Quốc hội lập pháp, chỉ khác ở chỗ nhiệm vụ duy nhất của cơ quan này là làm ra Hiến pháp. Đây là hình thức rất phổ biến trong quy trình lập hiến ở nhiều nước trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện tại.

Quốc hội hay Hội nghị lập hiến có hai loại: Quốc hội lập hiến lần đầu và Quốc hội lập hiến để sửa đổi, bổ sung hiến pháp. Quốc hội lập hiến lần đầu điển hình nhất là Hội nghị lập hiến Philadenphia ở Mỹ có nhiệm vụ làm ra Hiến pháp Hoa Kỳ 1787. Hầu hết các Quốc hội lập hiến đều do cử tri bằng phổ thông đầu phiếu bầu ra, nhưng cũng có nơi, ngoài thành phần các nghị sĩ lập hiến còn có một bộ phận thành viên do ủy quyền hoặc chỉ định, nhưng số này chiếm tỷ lệ không đáng kể, khoảng 1/40 - 1/60 ở Italy năm 1947 và ở Ai Cập năm 1960.


Một cuộc biểu quyết tại Quốc hội lập hiến Nepal năm 2008

Xét theo mức độ thẩm quyền, Quốc hội lập hiến hay Hội nghị lập hiến có hai loại: loại có thẩm quyền đầy đủ và loại có thẩm quyền hạn chế. Quốc hội lập hiến có thẩm quyền đầy đủ là trường hợp cơ quan đó không chỉ soạn thảo, đưa ra dự thảo hiến pháp mà còn có toàn quyền thông qua Hiến pháp. Hội nghị lập hiến Philadenphia của Mỹ là điển hình của loại Quốc hội này. Ngoài ra, Quốc hội lập hiến được thành lập ở các nước như Italy (1947), Bồ Đào Nha (1976), Bungaria (1991), Ấn Độ (1949), Campuchia (1993) cũng đã áp dụng hình thức Quốc hội lập hiến có thẩm quyền đầy đủ như vậy. Hội nghị lập hiến LB Nga cũng thuộc loại Quốc hội này, chỉ có điểm khác là cơ quan này còn có thẩm quyền ban hành Hiến pháp hoặc tự quyết định đưa Hiến pháp ra trưng cầu ý dân.

Loại Quốc hội lập hiến thứ hai là Quốc hội lập hiến với thẩm quyền hạn chế. Đó là hai trường hợp sau đây: Khi cơ quan này chỉ soạn thảo Hiến pháp và bản thảo Hiến pháp đó cần được những cơ quan khác, chẳng hạn như Tổng thống, hoàn thiện và thông qua, hoặc được phúc quyết bởi một cuộc trưng cầu ý dân. Hình thức phúc quyết của cử tri thông qua trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ và rất phổ biến (Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ghana, Nigeria…): chỉ sau kết quả ưng thuận của cư tri với một tỷ lệ phiếu nhất định thì Hiến pháp mới có giá trị pháp lý.

Trong nhiều trường hợp, Quốc hội lập hiến, sau khi hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo và ban hành Hiến pháp thì chuyển thành Quốc hội lập pháp. Đó là trường hợp của các nước như Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Hy Lạp.

Ở một số nước, chỉ có một Quốc hội chung vừa có chức năng lập hiến, vừa làm chức năng lập pháp. Trong những trường hợp đó thường là một Ủy ban Hiến pháp được lập ra để làm nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp hoặc phương án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Bản dự thảo Hiến pháp mới hoặc phương án bổ sung, sửa đổi Hiến pháp được thảo luận 2 - 3 lần tại Quốc hội và giữa hai lần thảo luận, thông qua hiến pháp là các cuộc thảo luận ở những mức độ khác nhau của nhân dân. Quốc hội vừa có chức năng lập pháp, vừa có chức năng lập hiến, hay nói đúng hơn là Quốc hội lập pháp có chức năng lập hiến là hình thức phổ biến trong thực tiễn lập hiến của các nước XHCN trước đây và hiện nay. Theo quan điểm về chế độ tập quyền XHCN thì Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Hình thức duy nhất để nhân dân có thể tham gia vào quá trình lập hiến là hình thức thảo luận toàn dân.

GS. TSKH. Đào Trí Úc
Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội