Cơ chế kiểm soát quyền hành pháp của Nghị viện

Cách hình thành cơ quan hành pháp và hiệu quả kiểm soát

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 06:48 - Chia sẻ
Quyền hành pháp với vị trí là trung tâm của quyền lực nhà nước có tính “trội” vượt bậc so với quyền lập pháp và quyền tư pháp, cho nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm quyền. Vì vậy, trong thể chế của mỗi nước, luôn có cơ chế để cơ quan lập pháp kiểm soát quyền hành pháp. Mặc dù cùng sử dụng các phương thức kiểm soát cơ bản giống nhau, song ở các hình thức chính thể nhà nước khác nhau, sự kiểm soát của cơ quan lập pháp có những đặc điểm và hiệu quả không giống nhau. Cách thức hình thành cơ quan hành pháp có ý nghĩa rất lớn trong việc kiểm soát hoạt động của nhánh quyền lực này.

Mô hình chính thể đại nghị

Trong chính thể đại nghị, quyền hành pháp thuộc về nguyên thủ quốc gia và Chính phủ, nhưng Chính phủ mới là cơ quan nắm giữ quyền lực này một cách thực chất. Chẳng hạn ở Anh, sau khi Hạ viện được thành lập, Nữ hoàng Anh bổ nhiệm người đứng đầu đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện làm Thủ tướng. Nếu không có đảng nào chiếm đa số ghế trong Hạ viện thì Nữ hoàng sẽ bổ nhiệm Thủ tướng sau khi thương lượng với những người đứng đầu các đảng trong Hạ viện. Như vậy, về nguyên tắc, Thủ tướng được lập ra từ Nghị viện nên phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Nghị viện có quyền giám sát Chính phủ. Sự tồn tại của Chính phủ liên quan mật thiết với sự ủng hộ của đa số các thành viên Nghị viện. Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh khác cho thấy, với truyền thống văn hóa, chính trị của người Anh, kỷ luật đảng rất được coi trọng trong khi Thủ tướng lại là người đứng đầu đảng chính trị chiếm đa số ghế trong Hạ viện nên sự kiểm soát của Nghị viện đối với hành pháp có sự mềm dẻo nhất định. Sự kiểm soát của Nghị viện đối với Chính phủ thực chất và chủ yếu lại là sự kiểm soát của đảng chính trị đối với bộ máy hành pháp. Đó chính là sự tự kiểm soát trong nội bộ đảng.

Mô hình cộng hòa tổng thống

Trong chính thể cộng hòa tổng thống mà điển hình là ở Mỹ, quyền hành pháp thuộc về tổng thống. Và nghị viện không kiểm soát hành pháp với danh nghĩa là kiểm soát cơ quan do mình lập ra. Bởi lẽ, tổng thống Mỹ là người đứng đầu nhà nước và ngành hành pháp Mỹ. Tổng thống và phó tổng thống Mỹ được lựa chọn thông qua bầu cử theo nhiệm kỳ 4 năm một lần. Công dân ở các bang bầu ra các đại cử tri. Tập thể đại cử tri này (538 người) sẽ bầu ra tổng thống và phó tổng thống.

Nghị viện Anh 

Nguồn: ITN 

Mô hình hỗn hợp

Pha trộn giữa hai loại chính thể trên là chính thể cộng hòa hỗn hợp. Điển hình cho mô hình này là chính quyền nước Pháp. Cơ cấu quyền lực ở Pháp hiện nay được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1958 và được gọi là nền Cộng hòa Đệ ngũ. Vào thời điểm năm 1958, các chính trị gia Pháp đều nhất trí cho rằng Nghị viện dưới thời Đệ tứ Cộng hòa có quá nhiều quyền lực (trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, gần như mỗi năm có một hoặc hai Chính phủ sụp đổ do Nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm). Vì thế, mục tiêu khi soạn thảo Hiến pháp năm 1958 là vừa tạo thế cân bằng giữa cơ quan lập pháp và hành pháp, vừa duy trì truyền thống của chính thể cộng hòa đại nghị nhằm mang lại cho các chính phủ sự ổn định nhất định. Tuy nhiên, điều này cuối cùng lại khiến cán cân quyền lực nghiêng nhiều hơn về phía hành pháp. Đặc biệt, kể từ năm 1962, Tổng thống Pháp được bầu phổ thông đầu phiếu trực tiếp, càng tăng cường vị thế của cơ quan hành pháp trước cơ quan lập pháp. Ở Pháp, quyền hành pháp cũng thuộc về nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp (nguyên thủ quốc gia) mới là người nắm quyền hành pháp một cách thực chất. Tổng thống Pháp có nhiều quyền hành trong việc quản lý nhà nước và là đại diện hành pháp duy nhất. Tổng thống lãnh đạo tuyệt đối Chính phủ. Tổng thống có quyền phủ quyết các chính sách của Chính phủ. Chính phủ cùng thực thi quyền hành pháp với Tổng thống.

Sự rõ ràng, rành mạch trong việc phân công quyền lực là rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm soát quyền lực. Nước Mỹ thực hiện cơ chế tam quyền phân lập triệt để giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Nhánh lập pháp kiểm soát nhánh hành pháp dựa trên nền tảng của sự phân quyền cứng rắn với hệ thống kiềm chế - đối trọng quyền lực lẫn nhau. Mỗi nhánh quyền lực thực hiện một số quyền đối với các nhánh khác, do đó cân bằng quyền lực. Bởi vậy, tự bản thân quyền lực hành pháp đã bị hạn chế, chịu sự kiểm soát của các nhánh quyền lực khác.

Tuy vậy, hiệu quả kiểm soát còn có thể có được từ những yếu tố khác. Chẳng hạn ở Anh, hiệu quả kiểm soát quyền lực không đến từ cấu trúc nhà nước, từ những cơ sở pháp lý chính thức mà hình thành từ truyền thống văn hóa, văn hóa chính trị, từ cam kết chính trị và sự tự kiểm soát của giới cầm quyền.

Quốc Đạt