Thực tế cho thấy, mỹ thuật là ngành sớm bắt nhịp được không khí mới nhất của thời đại. Các gallery nghệ thuật ngày càng nhiều đã góp phần tạo điều kiện cho những người làm mỹ thuật có thể sống được bằng nghề. Đặc biệt, các triển lãm cá nhân phát triển mạnh mẽ, kéo theo các loại hình mới càng ngày càng phong phú, đa dạng. Việc nhiều gallery phối hợp với các họa sỹ nước ngoài cũng đã tạo được tính chuyên nghiệp hơn. Các loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, video art ngày càng thu hút đông đảo công chúng. Đây là những tác phẩm độc lập, có kỹ thuật, nội dung, hình thức cụ thể không dùng cho việc gì khác ngoài ý định tạo hiệu quả thẩm mỹ và nói lên ý tưởng của nghệ sỹ. Với những loại hình nghệ thuật này, các họa sỹ trẻ đã đưa cuộc sống vào tác phẩm của mình một cách chân thực, sinh động và hấp dẫn, có tác dụng lớn đến nhận thức và ý thức của công chúng.
Ngoài những loại hình trên, gần đây, một số họa sỹ trẻ còn có những dự án táo bạo, tạo ra sự tương tác giữa tác giả, tác phẩm với công chúng. Họ không muốn người xem khi đến với triển lãm chỉ xem và bình luận tác phẩm mà giờ đây họ muốn khán giả cùng thực hiện ý tưởng với họ. Có thể là, công chúng được chứng kiến họa sỹ thực hiện tác phẩm của mình ngay tại chỗ, hay cũng có những lúc người xem là chủ thể sáng tạo của người họa sỹ. Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương: “Làm cho nghệ thuật gần gũi với công chúng hơn sẽ làm phong phú và giàu có thêm đời sống tinh thần của công chúng. Nói đến nghệ thuật tương tác, ngoài những tác phẩm người ta bày, người ta vẽ chưa xong thì các nghệ sỹ cũng muốn mời công chúng vẽ tiếp, tạo hiệu ứng tốt giữa công chúng với tác phẩm. Đây là một hướng đi tốt đối với ngành mỹ thuật. Tất cả những loại hình nghệ thuật này đều khai thác những gì vốn có của cuộc sống, tổ chức vào một không gian để công chúng có thể nhập cuộc, thưởng thức”.
Một ví dụ điển hình là triển lãm Vào chợ của họa sỹ Ngô Văn Lục, tổ chức tháng 11.2007, tại Viet Art Centre, Hà Nội, thu hút sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ. Không gian triển lãm được tổ chức theo một cấu trúc tượng trưng về chợ, ở đó phân chia thành nhiều khu vực. Mỗi khu vực trưng bày một loại tranh riêng, giới thiệu một cách nhìn hội họa riêng và có những chức năng riêng như: Khu vực thuần túy trưng bày, khu vực dành riêng cho người xem nhập vai sáng tác, tự làm nên tác phẩm của mình... Hàng loạt tranh nhái theo đủ mọi danh họa, trường phái nổi tiếng trên thế giới, thậm chí nhái tranh của chính mình, những gian hàng bày bán mọi thứ trên đời, quán nước chè, rượu... Khán giả tha hồ cười đùa, ngó nghiêng, bình phẩm cái này lạ, cái kia dở, tiện tay cầm cọ phá bỏ bất kỳ tác phẩm nào họ muốn. Vào chợ đưa ra tranh cũ, hàng giả, để nói tới một hiện thực trong cuộc sống, và người xem, dù không nhận ra điều đấy, nhưng trong vô thức, đã bôi trát lên những họa phẩm bị nhái lại. Có thể họ đang xóa bỏ nghệ thuật chân chính, có thể họ đang bài trừ hàng nhái, điều ấy thì có gì quan trọng, miễn là họ vui, họ thích, họ làm được mọi điều, đơn giản vì đây là một cái chợ, và họ chính là đối tượng đang được người bán chèo kéo bằng đủ mọi cách. Chính vì vậy, đến với triển lãm ai cũng có chung cảm nhận là đông, vui, lạ, chẳng cần phải căng đầu suy nghĩ mà lại được tha hồ tác động trực tiếp vào tác phẩm...
Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho biết: “Sự đối thoại, tương tác trong nghệ thuật trước đây cũng có nhưng chưa thật sự hiệu quả. Tuy nhiên, giờ đây nghệ thuật ngày càng gần gũi với đời sống và các trào lưu nghệ thuật như sắp đặt, trình diễn, video... là những ví dụ điển hình. Vì các loại hình nghệ thuật này bê nguyên si những gì ngoài cuộc sống vào. Giới trẻ hiện nay buộc phải nắm bắt, nhập cuộc với trào lưu nghệ thuật thế giới là đi gần vào cuộc sống. Theo tôi đây là một hướng đi tốt. Muốn công chúng đến với mình thì hình thức mời công chúng tham gia vào tác phẩm của mình cũng tạo sự hấp dẫn của nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng phải thấy được ranh giới giữa tác giả và công chúng”.
Thanh Ngọc