Ngăn chặn trục lợi từ đấu giá đất

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 06:28 - Chia sẻ
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là một trong những yêu cầu trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.

Thời gian qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất được nhiều địa phương thực hiện rất hiệu quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, thậm chí cao bất thường, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, bất động sản. Trong khi đó, xuất hiện những cuộc đấu giá với giá đất giảm bất ngờ, bởi có sự thông đồng, dìm giá của một số đối tượng trong quá trình đấu giá quyền sử dụng đất, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can vì có hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự) và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. Với hành vi thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, bước đầu xác định các đối tượng gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Đây chỉ là một trong số những vụ vi phạm đấu giá quyền sử dụng đất đã xảy ra thời gian qua. Thực tế cho thấy, vẫn xảy ra tình trạng bao che, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản. Điều đáng nói, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì lợi ích trước mắt, một số cán bộ đã tiếp tay cho các đối tượng để thông đồng, dìm giá nhằm trục lợi. Liên quan đến quản lý đất đai, đến công tác đấu thầu, không ít cán bộ chỉ vì một chút thiếu tỉnh táo, không vượt qua được lợi ích, cám dỗ trước mắt đã vướng vòng lao lý và phải nhận bản án nghiêm khắc, đủ sức cảnh tỉnh và răn đe.  

Những tồn tại, vướng mắc xảy ra trong quản lý đất đai, trong đó có hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đã được Quốc hội Khóa XIV chỉ rõ trong Nghị quyết 82/2019/QH14. Theo đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật. Việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, nguy cơ thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài. Việc xử lý các vi phạm trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn chậm, một số trường hợp chưa nghiêm minh.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh công tác điều tra các vụ án về quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo Chương trình làm việc, trong năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Trong đó, Quốc hội sẽ giám sát việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai. Ngoài làm rõ kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật, giám sát cũng nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền trong việc ban hành chính sách, pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gây thất thoát, lãng phí đối với lĩnh vực này. Qua đó, sẽ kiến nghị hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc để xảy ra lãng phí trong sử dụng đất đai.

Việc cá thể hóa trách nhiệm, chỉ rõ địa chỉ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của từng chủ thể là điều rất cần thiết. Cùng với giám sát tối cao của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, tin rằng, tới đây các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất sẽ sớm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh. Có như vậy, mới tránh gây thiệt hại tài sản của Nhà nước bởi tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá quyền sử dụng đất như đã từng xảy ra.

Song Hà