Ngăn chặn bạo lực gia đình

- Thứ Tư, 06/10/2021, 14:47 - Chia sẻ
Thời gian qua, dù đã có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh nhưng không ít vụ bạo lực gia đình vẫn xảy ra. Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình Chính phủ hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc.

Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 21.10.2007, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2008. Việc Quốc hội thông qua và ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đưa Việt Nam là một trong số quốc gia tiên phong luật hóa những vấn đề cơ bản trong hiến chương của Liên Hợp Quốc về quyền con người, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện các điều ước quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực trái với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xóa bỏ những hủ tục, tư tưởng lạc hậu để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào
Không ít phụ nữ, trẻ em đã trở thành nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau hơn 13 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã chuyển biến tích cực. Trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ riêng của một ngành, một cấp mà thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Mọi hành vi bạo lực gia đình đều bị lên án và xử lý.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng.

Theo điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng, cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này cũng cho thấy, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Đó là do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, bao che, không khai báo, sợ chê cười. Nạn nhân thường có tâm lý ngại “vạch áo cho người xem lưng”. Nhận thức pháp luật của cán bộ, chính quyền, đoàn thể còn hạn chế. Tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực gia đình đau lòng xảy ra, nhất là ở vùng nông thôn, vùng miền núi kinh tế còn khó khăn. Ngoài ra, tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới đã làm cho không ít phụ nữ đã trở thành những nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình. Đặc biệt, điểm yếu vẫn là do khâu thực thi các quy định pháp luật. Các cấp, các ngành chưa phối hợp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này. Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, đôi khi coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, chế tài chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm, chưa hợp lý, thiên về hòa giải, phê bình, góp ý. Để giảm thiểu bạo lực gia đình, những tồn tại này cần sớm được khắc phục.

Bất cập từ những quy định của Luật

Thực tế cho thấy, công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em… Tuy nhiên tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực đối với trẻ em xảy ra ở tất cả các địa phương trên cả nước, diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng bạo lực gia đình còn có nguyên nhân từ một số bất cập trong quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đó là, khái niệm hành vi bạo lực gia đình, mâu thuẫn, tranh chấp trong Luật chưa được làm rõ, do đó nhận diện chưa đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình khiến nhận thức về bạo lực gia đình khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Từ đó, dẫn đến những bất cập trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và thu thập thông tin về bạo lực gia đình. Luật cũng thiếu các quy định về tiêu chí như: trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của hòa giải viên và tổ hòa giải.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Hình thức phạt tiền đối với người có hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định cụ thể. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là chính là người đứng ra nộp phạt và số tiền nộp phạt lấy từ tài sản chung của gia đình. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi bạo lực gia đình trong lần tiếp theo.

Ngoài ra, Luật chưa đưa ra các quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình và quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

Dưới góc độ của nhà lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Hoàng Thị Hoa cho rằng: Việt Nam đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình, Nghị quyết về Phòng chống xâm hại trẻ em nhưng tình trạng bạo lực gia đình vẫn chưa chấm dứt... Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu thêm có nội dung nào còn bất cập thì tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. Đồng thời, tăng cường giám sát quá trình thực hiện các luật, chính sách, quy định đề ra cũng như sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực gia đình cần phải thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Để góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm bạo lực gia đình, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là rất cần thiết, một mặt bảo đảm quyền con người đã được hiến định. Mặt khác bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ Ba (dự kiến vào tháng 5.2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ Tư (dự kiến vào tháng 10.2022). Mong rằng, những bất cập của Luật hiện hành sẽ được sửa đổi, bổ sung kịp thời để ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình xảy ra.  

Song Hà