Bắc Giang tiếp tục đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản:

"Nếu là lãnh đạo Bắc Giang, tôi cũng sốt ruột"

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 06:38 - Chia sẻ
Sau hai tuần gửi kiến nghị Thủ tướng và UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh Bắc Giang vừa tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị chỉ đạo các địa phương tạo “làn xanh” cho phương tiện vận chuyển vải thiều. Văn bản gửi đi trong bối cảnh chỉ còn gần một tuần nữa vải thiều bước vào chính vụ. Chuyên gia nông nghiệp HOÀNG TRỌNG THỦY nói ông hoàn toàn đồng cảm với sự sốt ruột của Bắc Giang và đề nghị Chính phủ sớm vào cuộc để có cách làm thống nhất.

Khó thực hiện vì còn “quyền anh quyền tôi”

- Hai tuần trước, tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi Thủ tướng và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản do lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố đều lập chốt kiểm soát gây khó khăn trong lưu thông. Cách đây 3 ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tiếp tục có văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạo“làn xanh” cho phương tiện vận chuyển vải thiều. Ông nghĩ sao về việc này?

- Trước hết, tôi rất chia sẻ với sự sốt ruột của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Nếu đặt trong địa vị ấy, tôi cũng sẽ làm thế! Bởi lẽ, mùa vụ năm ngoái, tỉnh Bắc Giang thu về gần 6.800 tỷ đồng từ quả vải và các dịch vụ đi kèm, đó là số tiền không nhỏ với bà con nông dân. Năm nay, sản lượng và chất lượng đều đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 180.000 tấn, trong đó riêng vải thiều chính vụ lên tới 135.000 tấn và chỉ còn gần một tuần nữa bước vào chính vụ.

Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã chủ động lên các phương án bảo đảm vùng vải sạch, không bị tác động của dịch bệnh, như kiểm soát chặt người ra vào vùng vải, không có F1 trong vùng, lái xe được xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính, xe và hàng được khử khuẩn và có giấy xác nhận. Đó là nỗ lực rất lớn của tỉnh và cần được ghi nhận.

Dù tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng, các bộ cùng UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhưng đến nay việc mỗi địa phương áp dụng phòng chống dịch một kiểu nên vẫn chưa được giải quyết. Đó là điều rất đáng buồn, song cũng có thể thông cảm cho các địa phương.

- Vì sao vậy?

- Bởi lẽ, hiện vẫn chưa có định chế cụ thể từ cấp cao nhất là Chính phủ xuống bộ, ngành làm căn cứ cho các địa phương triển khai. Vì thế, khó tạo ra sự thống nhất trong thực hiện.

Chúng ta cứ nói phải thực hiện mục tiêu kép, thế nhưng đâu đó vẫn đặt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 quá cao khiến cách áp dụng cũng khác nhau, thành ra được mặt này (phòng chống dịch) thì lại giảm mặt kia (phát triển kinh tế, cụ thể là lưu thông hàng hóa). Tức là, “quyền anh quyền tôi” vẫn còn.

Thêm nữa, việc Bắc Giang kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhưng do các tỉnh có cách làm khác nhau gây khó khăn trong lưu thông cũng cho thấy liên kết ngang giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương và liên kết giữa Trung ương với địa phương vẫn rất hạn chế, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt. Muốn giải quyết, chỉ có cách là phải có định chế thống nhất.

Chính phủ cần sớm có chỉ đạo thống nhất

	Chính phủ cần sớm thống nhất cách làm trong lưu thông quả vải trên cả nước. Nguồn ITN
Chính phủ cần sớm thống nhất cách làm trong lưu thông quả vải trên cả nước.
Nguồn ITN

- Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, Bắc Giang sẽ bước vào chính vụ vải thiều với sản lượng 135.000 tấn trong tổng sản lượng 180.000 tấn của mùa vụ năm nay. Theo ông, biện pháp cấp bách để hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng này là gì?

- Để giải phóng hàng hóa nông sản, đặc biệt là quả vải, Chính phủ phải vào cuộc ngay để tạo ra cách làm thống nhất. Theo đó, Chính phủ cần sớm ban hành định chế cụ thể yêu cầu các địa phương phải hỗ trợ tạo “làn xanh” cho quả vải khi đã bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh - điều này Bắc Giang cũng đã cam kết thực hiện - thay vì phải qua các bước kiểm tra như vận chuyển hàng hóa thông thường.

Đồng thời, cần thiết lập được hành lang vận tải để không bị ứ đọng hàng hóa, nông sản. Điều này đòi hỏi Bộ Giao thông Vận tải phải sớm vào cuộc để tạo điều kiện lưu thông các mặt hàng nông sản từ vùng dịch, như giảm phí khi qua các trạm BOT…

- Dịch bệnh Covid-19 chưa biết khi nào kết thúc. Về lâu dài, theo ông, cần làm gì để không còn cảnh địa phương có dịch phải gửi văn bản kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản như Bắc Giang đang gặp phải?

- Trước tiên, tất cả các địa phương, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải có chung kịch bản để thống nhất về ý chí, quan điểm, giải pháp tiêu thụ nông sản, trong đó có thiết lập hành lang vận tải, sau đó hợp lực và có sự giám sát chéo lẫn nhau, quy trách nhiệm đến đúng địa chỉ. Kịch bản đó dựa trên cơ sở xác định mặt hàng nào có sản lượng lớn, đông người lao động, đặc biệt lại nằm trong trục nông sản xuất khẩu để có ưu tiên về lưu thông, tức là tạo “làn xanh”.

Thứ hai, phải chuẩn bị về kho lạnh để lưu trữ hàng hóa. Điều này rất quan trọng nhằm vừa điều phối thị trường vừa có chức năng bảo quản, đồng thời tránh tình trạng bị ép giá.

Thứ ba, phải xây dựng được đội quân chuyên nghiệp về bốc xếp, lái xe, xe chuyên dụng. Đội quân này sẽ ăn nghỉ tập trung, hàng hóa cũng được tập trung, bảo đảm phòng chống dịch. Chính vì hiện chưa có đội ngũ này nên nhiều địa phương lấy cớ đó đặt điều kiện về lưu thông, gây khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Đặc biệt, kinh tế vùng, liên kết vùng, liên kết ngang, liên kết dọc cũng phải thay đổi. Chúng ta không thể giữ kiểu mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một nền kinh tế, “đèn nhà ai nhà nấy rạng” được.

Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội ngành hàng cũng rất quan trọng, cả trong vấn đề kho lạnh lẫn thị trường. Cần phát huy được hiệu quả của các hiệp hội này. Đáng tiếc là trong việc tiêu thụ vải hiện nay tôi chưa thấy rõ vai trò của hiệp hội.

- Xin cảm ơn ông!

ĐBQH TRẦN VĂN LÂM, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách:
“Làn xanh” cho vải thiều là rất cần thiết!

Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch là điều dễ hiểu. Tuy vậy, tỉnh Bắc Giang cũng rất nỗ lực bảo đảm vùng vải sạch, an toàn, không bị tác động bởi dịch bệnh. Các xe chở vải đi tiêu thụ đều có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Quả vải cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vốn rất khó tính. Do vậy, việc Chính phủ, các địa phương hỗ trợ tạo “làn xanh” cho quả vải là rất cần thiết.

Trước đó, Chính phủ đã có chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ vải song vẫn cần có văn bản cụ thể để các địa phương có cơ sở triển khai bảo đảm tính thống nhất. Nếu địa phương nào gây trở ngại phải được xử lý nghiêm minh. Chỉ như thế mới bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

ĐBQH PHẠM VĂN HÒA, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Quy trách nhiệm rõ ràng

Ảnh: Quang Khánh

Theo dõi tình hình tiêu thụ nông sản của tỉnh Bắc Giang, đặc biệt là quả vải thời gian qua có thể thấy, tỉnh đã rất chú trọng bảo đảm chất lượng cũng như an toàn dịch bệnh. Để hỗ trợ tiêu thụ vải, việc tạo “làn xanh” ưu tiên rất đáng được lưu tâm thực hiện song cần có chỉ đạo thống nhất để triển khai trong cả nước, đồng thời phải quy trách nhiệm rõ ràng cho phía tỉnh Bắc Giang nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh. Điều này không chỉ gỡ khó cho riêng quả vải Bắc Giang mà còn là tiền đề quan trọng trong tiêu thụ nông sản ở các tỉnh khác khi có dịch, với điều kiện nông sản có sản lượng lớn, bảo đảm kiểm soát phòng chống dịch ngay từ khâu thu hái, vận chuyển.

Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang TRẦN QUANG TẤN:
Mong có cách làm thống nhất

Dù Thủ tướng, các Phó Thủ thủ tướng đều có chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Bắc Giang song hiện mỗi địa phương đang có cách làm khác nhau khiến việc lưu thông quả vải đang gặp khó khăn.

Chẳng hạn, ở trạm 237 tỉnh Lào Cai yêu cầu tất cả lái xe của Bắc Giang đã có xét nghiệm Covid-19 trước 3 - 5 ngày sẽ vào một bãi riêng, sau đó hoặc test kháng nguyên nhanh rồi tiếp tục di chuyển hoặc đổi lái xe ngay. Còn tại các tỉnh phía Nam, khi lái xe từ Bắc Giang chở vải vào cửa ngõ sẽ có người và lái xe của tỉnh đó ra nhận hàng… Nếu Thủ tướng chỉ đạo thống nhất một quy trình đối với lưu thông, vận chuyển quả vải sẽ giúp giảm thời gian, qua đó bảo đảm chất lượng sản phẩm khi đi tiêu thụ.

Vũ Thủy ghi

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh thực hiện