
Việc tổ chức viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm ở cấp huyện sẽ bảo đảm được sự thống nhất, đồng bộ của bộ máy chính quyền cấp huyện, phù hợp với tổ chức của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cùng cấp, bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đặc biệt, bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Hội đồng Nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nhằm xây dựng bộ máy chính quyền cấp huyện - một cấp rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước - đồng bộ, đầy đủ và đủ sức triển khai thực hiện mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, đặc biệt là nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự đối với các huyện biên giới, biển đảo trong tình hình hiện nay. Nếu theo mô hình mới, không tổ chức viện kiểm sát và tòa án ở cấp huyện thì mô hình, tổ chức chính quyền cấp huyện sẽ ra sao? - mạnh lên hay yếu đi cũng là một việc cần phải xem xét. Nếu thành lập Viện kiểm sát khu vực thì ngoài bộ máy hiện nay, theo dự án, sẽ có một số phòng nghiệp vụ chuyên môn, không những tăng về mặt lãnh đạo mà còn tăng cả biên chế. Tôi cũng nắm được thông tin dự kiến của các nhà quản lý kinh tế là nếu mỗi Viện kiểm sát khu vực xây dựng phải cần 30 tỷ đồng, toàn quốc dự kiến phải có khoảng 160 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế hiện nay và nhiều việc phải đầu tư thì có nên chăng, cần phải xem xét lại vấn đề này.