Cô Nguyễn Thị Thùy, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu (huyện Ba Bể, Bắc Kạn):Khao khát học tập của học sinh níu chân tôi
Là giáo viên dạy môn Tiếng Anh của Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu, năm học này thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 3 bắt buộc phải học môn Tiếng Anh, nên tôi được nhà trường cử lên dạy học ở 2 điểm trường Đán Mẩy, Khau Qua. Cả Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu chỉ có mình tôi đảm nhiệm giảng dạy môn Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 9. Vậy nên tôi phải sắp xếp làm sao bảo đảm 27 tiết dạy trong tuần cho tất cả các lớp, trong đó dành ngày thứ Ba lên các điểm trường lẻ.
Điểm trường cách trường chính 70km, đường sá xa xôi, thiếu giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế khiến việc học tiếng Anh của các em vùng cao khó lại càng khó. Nhiều lớp học tại điểm trường tôi dạy chỉ có một chiếc tivi, máy chiếu, chưa kể, có những thời điểm điện yếu không thể mở tivi, khó mở băng đĩa để các em được luyện nghe tiếng Anh chuẩn. Bởi vậy, trên lớp, tôi tận dụng tối đa thời gian để giao tiếp với học sinh bằng Tiếng Anh, đồng thời, nhận thấy lợi ích từ việc trường học ở giữa khu du lịch Hồ Ba Bể, có nhiều khách nước ngoài, nên tôi tăng cường các buổi ngoại khóa để các em có cơ hội giao tiếp tiếng Anh. Nhờ đó, trình độ học tiếng Anh của học sinh tôi dạy khá tốt so với các khu vực khác trong tỉnh.
Đến thời điểm này, dù có cơ hội để làm việc ở những môi trường điều kiện tốt hơn, nhưng nhìn những ánh mắt thơ ngây, tâm hồn trong trẻo của học sinh, và chính khao khát được học tập, khao khát có thể giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh của các em đã như sợi dây vô hình níu chân tôi không muốn rời xa, nguyện sẽ gắn bó dài lâu với các em.
Cô Đào Thị Nhung, giáo viên Trường Mầm non Ánh Sao, Cầu Giấy, Hà Nội: Tình cảm chân thành sẽ chạm đến trái tim học trò
Trong sự nghiệp trồng người, “nuôi dạy trẻ” là rất đặc biệt, không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc trẻ bằng trái tim của người mẹ. Nhiều năm là giáo viên mầm non, tôi hiểu rằng, tình yêu, tình cảm chân thành của giáo viên sẽ chạm đến trái tim của những đứa trẻ. Để chúng yêu cô như yêu mẹ của mình, thì trước hết bản thân trẻ cần cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh cô, chia sẻ với cô tất cả cảm xúc và những câu chuyện của mình. Bởi vậy, ở trên lớp, tôi luôn khuyến khích các con gọi tôi là "mẹ Nhung".
Cũng xuất phát từ tình yêu với nghề và những đứa trẻ, tôi trăn trở, suy nghĩ thiết kếbộ sách bóc dán thông minh giúp trẻ học mà chơi mà chơi học, được tiếp cận với sách một cách tự nhiên và hiệu quả nhất. Năm học 2020 - 2021 tôi thiết kế được 15 bộ sách bóc dán thông minh nhằm phát triển tư duy cho trẻ theo các chủ đề. Bộ sách được thiết kế thông minh sử dụng nhiều lần không lãng phí. Cùng đó, dựa trên các phần mềm phù hợp tôi đã thiết kế sách điện tử chuyên đề “Tôi yêu Việt Nam”. Trong thời gian các con nghỉ dịch ở nhà, bộ sách trực tuyến đã được các bậc phụ huynh khối mẫu giáo Trường Mầm non Ánh Sao sử dụng rộng rãi tại nhà.
Quả thực, khối lượng công việc của giáo viên mầm non nhiều, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thành phố lớn như Hà Nội, do dân số cơ học đông nên sĩ số học sinh mỗi lớp đều vượt quá quy định. Áp lực công việc, cường độ làm việc cao từ 10 - 12 tiếng mỗi ngày, sức ép từ việc giữ an toàn cho trẻ khiến giáo viên luôn căng thẳng. Những lúc như thế, chúng tôi rất cần sự đồng hành, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh. Chính sự đồng hành, tin tưởng ấy, cùng với tình yêu nghề, tình yêu con trẻ sẽ khiến giáo viên cảm thấy hạnh phúc. Và khi thầy cô hạnh phúc thì học sinh sẽ hạnh phúc, đúng như câu nói “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”.
Cô giáo Nguyễn Thị Văn, Trường THPT chuyên Bình Long (Bình Phước): Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo
Tôi đến với nghề giáo không phải tình cờ hay bởi sự định hướng của gia đình, mà bằng niềm mong ước được ấp ủ từ khi đang học lớp 9. Mọi người bảo, cái gì xuất phát từ đam mê cũng đáng được trân trọng. Tôi trân trọng điều đó. Mấy năm trong trường đại học, qua nhiều kỳ kiến tập, thực tập, rèn luyện tại trường phổ thông, ánh mắt ngây thơ, nụ cười thánh thiện của các trò ngày càng nuôi lớn tình yêu trường, lớp, yêu nghề giáo trong tôi, càng làm tôi say mê hơn với sự nghiệp trồng người.
Tôi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2015, tôi về giảng dạy môn Tin học ở Trường THPT Chuyên Bình Long. Từ ngày đầu tiên đặt chân đến đây, vượt qua sự xa xôi về địa lý và nỗi nhớ quê nhà, sự khác biệt về giọng nói, phong tục, tôi cố gắng thay đổi từng ngày để thích nghi. Được phân công đào tạo học sinh tham dự các cuộc thi quốc gia và khu vực, có những ngày, tôi thức tới 2 - 3 giờ sáng để soạn giáo án, có đêm không ngủ và sáng hôm sau vẫn đứng lớp. Áp lực là vậy, thế nhưng, hạnh phúc vỡ òa khi học trò mình rèn luyện đạt thành tích cao. Những giải thưởng từ Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc 2022, Huy chương Bạc Cuộc thi Tin học châu Á - Thái Bình Dương và Olympic Tin học quốc tế của các em chính là món quà, động lực để tôi vững tin tiếp tục nỗ lực và cố gắng.
Để có thể trở thành một giáo viên tốt đòi hỏi mỗi người cần thực sự tâm huyết, trách nhiệm, dũng cảm vượt lên những khó khăn, áp lực để trau dồi bản thân ngày càng vững vàng, hoàn thiện. Và sau nhiều năm đứng lớp, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo.