Trường Tiểu học dân lập (THDL) Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được thành lập từ năm 1992 - là một trong những cơ sở giáo dục dân lập điển hình, góp phần đưa ngành giáo dục và đào tạo thành phố trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm của thầy trò nhà trường. Thời gian qua, công tác xây dựng, phát triển văn hóa đọc luôn được ban giám hiệu nhà trường xác định là tiền đề giáo dục tri thức, đạo đức và thắp sáng đam mê, hoài bão của các em học sinh. Thư viện trường đã trở thành một điểm sáng với những hoạt động sôi nổi và đa dạng, đem lại không gian đọc sách thuận lợi và hấp dẫn cho học sinh.
Chia sẻ về cách làm, Phó Hiệu trưởng Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Lương Thị Bích Thảo cho biết, với sự phát triển của công nghệ, hiện nay đa số các em ngoài giờ học ở nhà có thói quen là xem điện thoại, ti vi hoặc chơi game... ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em cũng như là sự phát triển về thể chất, tinh thần. Chính vì thế, nhà trường rất chú trọng về hoạt động thư viện và phong trào đọc sách hướng đến cho các em được lên thư viện đọc sách nhiều hơn. Đồng thời có thể tham gia các hoạt động thiết thực của thư viện nhằm giúp cho các em mở rộng kiến thức. Phát triển khả năng tư duy, khả năng ngôn ngữ và khả năng giao tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường mong muốn thông qua hoạt động đọc sách này sẽ hình thành cho các em ý thức tự học, tự đọc.
“Điều quan trọng hơn là đọc sách giúp các em tập trung trong học tập. Vì các em siêng đọc sách thì sẽ hình thành được thói quen tập trung. Và mong muốn của nhà trường khi tổ chức tốt các hoạt động thư viện thì sẽ giúp cho các em học sinh yêu thích đọc sách hơn. Từ đó hướng tới một sân chơi lành mạnh, mở mang kiến thức và giảm bớt việc sa vào các thiết bị điện tử”, cô Thảo cho biết thêm.
Một trong những điểm đặc biệt của thư viện nhà trường chính là việc thường xuyên lựa chọn các sách, truyện theo chủ đề của từng tháng trong năm kết hợp với các hoạt động đa dạng khác nhau. Đây là phương pháp hiệu quả trong việc tạo ra môi trường học tập tích cực thông qua việc thúc đẩy việc đọc sách và học tập. Thông qua đó, thư viện không chỉ tập trung vào việc cung cấp sách cho đọc mà còn tạo ra các hoạt động phụ trợ như câu lạc bộ đọc sách, buổi trò chuyện về sách, hoạt động sáng tạo từ sách, giúp kích thích tò mò và sự yêu thích đối với việc đọc sách.
Giáo viên phụ trách thư viện Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Lê Thị Minh Nguyệt chia sẻ, ở lứa tuổi tiểu học, để thu hút các em đến thư viện mình phải phải thường xuyên có những hoạt động đa dạng, như trình chiếu các đoạn video hoạt hình theo các chủ đề. Ví dụ dịp 20.11 chọn những video hoạt hình chủ đề về thầy cô và thông qua đó cũng để giáo dục lòng biết ơn với thầy cô cho các em. Ngoài ra, các cô còn lồng ghép với các hoạt động vui chơi khác như làm tranh thủ công từ hoa, lá, cỏ cây,... hoặc từ những đồ tái chế.
"Khi tổ chức các hoạt động cho các em thiếu nhi mình luôn chuẩn bị những món quà để tạo sự bất ngờ cho các bạn nhỏ. Đó chính là cách kéo các em đến với thư viện ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, mỗi lần đi mua sách, mình mình cũng tìm hiểu và cập nhật thêm cho thư viện những đầu sách gợi sự tò mò và hứng thú cho các em các dạng như sách chuyển động, sách âm thanh hay là những sách sân khấu kịch.", cô Nguyệt chia sẻ.
Em Phạm Vũ Minh Thùy, học sinh lớp 3A4, Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm phấn khởi cho biết, hằng ngày, cứ đến giờ ra chơi em thường lên thư viện tìm đọc sách. Việc đọc sách đã giúp em biết thêm nhiều điều hay, ý nghĩa trong cuộc sống và giúp em học môn Tiếng Việt tốt hơn.
Còn với em Trịnh Hoàng Bảo Khánh, lớp 4A5, Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm, đọc sách cho em thêm nhiều kiến thức lý thú về thế giới xung quanh. Ở thư viện các cô thường xuyên tố chức hoạt động vui chơi như kể chuyện theo sách và nhiều hoạt động khác rất thú vị.
Bên cạnh đó, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách nhà trường cũng chủ động xây dựng tủ sách trong mỗi lớp học. Qua đó, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách đối với giáo viên, học sinh. Giúp phát triển văn hóa đọc, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh, góp phần đẩy mạnh xã hội học tập trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.