Giáo dục phải thật sự là quốc sách cả trong tư duy và chiến lược. Khi đất nước còn khó nghèo, còn trong đạn bom chiến tranh, sự nghiệp giáo dục vẫn có những bứt phá, vẫn đào tạo ra những tài năng, những cán bộ giỏi trên mọi lĩnh vực. Vậy không có lý gì, khi khó khăn giờ đâu còn như xưa mà giáo dục vẫn cứ mãi loay hoay?
Nghị quyết của Đảng về giáo dục rất sáng, nhưng vì sao vận dụng vào thực tiễn lại chưa được như mong muốn? Những người làm giáo dục trả lời thế nào trước câu hỏi này? Một đất nước hiếu học, thông minh, ai cũng lo cho sự học, gia đình nào cũng rất coi trọng việc học hành của con cái, hỏi có gì hơn? Vẫn hay làm cái gì cũng phải có tiền nhưng nếu giáo dục quá trọng đồng tiền, cứ đo đếm bằng bằng cấp mà không quan tâm tới chất lượng liệu có trúng, có đúng không?
Vì sao giáo dục vẫn chưa bứt phá? Rõ ràng, ngành giáo dục phải tự soi vào chính mình để trả lời cho câu hỏi đó.
Hãy nhìn lại những bộn bề của việc dạy và học thời nay. Học thêm từ mẫu giáo, nhồi nhét từ lớp 1. Nhiều cô cậu học trò học đêm ngày đến mê muội, đến trầm cảm để vượt qua kỳ thi cuối cấp, liệu có cần đến thế?
Ai có thể nghĩ từ ngành giáo dục, từ những người đứng trên bục giảng được xã hội tôn vinh giờ cũng gánh trên vai đủ nỗi niềm. Với những tác động tiêu cực của xã hội, nghề dạy học liệu có còn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý?
Phải chỉ thẳng, muốn có trò giỏi, trước hết phải có thầy cô giỏi. Muốn có thầy cô giỏi, dứt khoát phải có học sinh có chất lượng thi vào các trường sư phạm.
Đất nước hiếu học có truyền thống “trọng thầy”! Rất nhiều tấm gương người thầy tận tụy, thương yêu học trò như chính con đẻ của mình ở khắp nơi trên cả nước; rất nhiều giảng viên say nghề, giỏi nghiệp đêm ngày đào tạo cho đất nước những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có trí thức, trí tuệ đang góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhưng cũng không thể bỏ qua những thầy cô chạy theo đồng tiền, làm méo mó nền giáo dục. Tình trạng chạy điểm, chạy bằng cấp, chứng chỉ, chính là “cánh cửa” mở đường cho tình trạng chạy chức, chạy quyền gây bất bình dư luận. Xót xa hơn, là những ý tưởng đổi mới, khoác áo cải cách giáo dục với cả trăm, nghìn tỷ đồng nhưng trên thực tế vẫn chả đâu vào đâu.
Xây dựng Luật Giáo dục để ngành giáo dục bứt lên là rất cần thiết! Nhưng cần hơn thế là từ những quy định của Luật, tư duy vĩ mô của những nhà quản lý giáo dục cũng phải đổi mới. Chiến lược, đề án, ý tưởng gì cũng phải xuất phát từ những người biết làm, hiểu và tâm huyết với giáo dục, chứ không thể coi nhà trường, học sinh như cái chợ hay món hàng để kinh doanh, kiếm lời và chỉ đánh giá, nhìn nhận giáo dục của thước đo của đồng tiền.
Sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học phải có những đổi mới để bắt trúng thực tiễn, đi đúng dòng chảy hướng đến mục tiêu xây dựng bằng được nền giáo dục chất lượng ngang tầm với các nước.
Rõ ràng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa tròn trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Không thể trao quyền tự chủ đại học nửa vời. Phải xem xét kỹ có cần đổi tên gọi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” không? Thu ngắn thời gian học đại học thì chương trình kết cấu ra sao, giáo trình thế nào? Bởi đào tạo đại học trong 4 - 5 năm chất lượng còn chưa đâu vào đâu, giờ rút ngắn lại, có bảo đảm sinh viên tốt nghiệp xứng tầm cử nhân không?
Nhìn thẳng: Có bao giờ cách nhìn về đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, phong hàm giáo sư lại ồn ã, nhiều vấn đề như hiện nay. Dư âm sau sự kiện hàng loạt ứng viên không đủ chuẩn phải rút khỏi danh sách phong giáo sư, phó giáo sư vừa qua không thể không ngẫm ngợi. Câu chuyện vị Giáo sư bị tố đạo văn mới đây cũng khiến người ta thêm phần xót xa. Trong bối cảnh ấy, Luật Giáo dục nếu được Quốc hội thông qua sẽ là kim chỉ nam để giáo dục đi đúng kỷ cương. Nhưng giải pháp có là thế nào đi chăng nữa thì cách làm giáo dục bài bản, căn cơ vẫn phải bắt nguồn từ chính đội ngũ quản lý và người thầy. Tự soi lại mình, tự đổi mới bản thân mới mong giáo dục thật sự là quốc sách của mọi quốc sách.