Dự án Luật đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, chuẩn bị trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới. Và những quy định liên quan đến tố cáo nặc danh tiếp tục là chủ đề thảo luận tại Hội thảo góp ý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh tổ chức cuối tuần qua.
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), đối với tố cáo nặc danh, để không bị bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, Chính phủ cho rằng, cần có quy định hợp lý về vấn đề này, coi đây là thông tin “đầu vào” cho việc xem xét, xử lý thuộc phạm vi trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan nhà nước. Trong quá trình giải quyết không có sự ràng buộc trách nhiệm giữa cơ quan giải quyết với người tố cáo. Theo đó, Khoản 5, Điều 20, dự thảo Luật quy định: Trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo thì không thụ lý giải quyết. Trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì người tiếp nhận đơn tố cáo trình người đứng đầu cơ quan quản lý cùng cấp xem xét, quyết định để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Đồng thuận về mặt quan điểm, song nhiều đại biểu còn băn khoăn, vì thực tiễn có không ít trường hợp do sợ bị trả thù, trù dập, nên người tố cáo không dám nêu rõ họ tên, địa chỉ. Vậy nên, quy định với những trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhưng nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể… sẽ được xem xét, giải quyết như dự thảo là hoàn toàn hợp lý.
![]() Đại biểu phát biểu về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh |
Ảnh: T. Thành |
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Tú, đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, quy định như vậy có thể chưa phù hợp Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, Khoản 2, Điều 30, Hiến pháp 2013 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Như vậy, có thể hiểu là Hiến pháp không đề cập đến việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật hoặc pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Theo tinh thần này, thì mọi tố cáo đều phải được tiếp nhận, giải quyết. Do đó, ông Tú đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định lại nội dung này cho phù hợp với Hiến pháp theo hướng vẫn thụ lý, giải quyết tất cả các đơn tố cáo; đồng thời, có sự phân loại để có biện pháp và đường lối xử lý tương xứng.
Ở góc độ khác, Phó trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính - Đại học Luật TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Trí cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật - tố cáo đúng hay không đúng hình thức, chính danh hoặc nặc danh, mạo danh cũng được xem xét giải quyết - sẽ làm mất đi giá trị của tố cáo chính danh, đồng thời, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người bị tố cáo. Như thế sẽ khó tránh khỏi việc các đơn thư tố cáo không đúng hình thức, không chính danh tăng đột ngột và người tố cáo cũng ít khi tố cáo chính danh. Do vậy, theo ông Nguyễn Văn Trí, tố cáo phải chính danh, đúng hình thức; và không xem xét, giải quyết với tố cáo nặc danh, mạo danh, khuyết danh.
Theo chương trình, dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Đây là dự luật khó và liên quan đến lĩnh vực đang là mối quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân. Đây cũng được ví như một trong những công cụ pháp lý quan trọng để nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang gây bức xúc cho dư luận xã hội. Và trực tiếp và cụ thể chính là quy định về việc có xem xét, giải quyết với tố cáo nặc danh hay không? Thiết kế theo hướng nào để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cả người tố cáo và người bị tố cáo, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội là một trong những yêu cầu đặt ra với cơ quan soạn thảo dự án Luật.