Hạ lãi suất trong tháng 7 để hỗ trợ doanh nghiệp

Nên có lộ trình?!

- Thứ Ba, 13/07/2021, 05:18 - Chia sẻ
Việc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 7 này để hỗ trợ doanh nghiệp đang tạo ra tâm lý trái chiều: Doanh nghiệp khấp khởi, chuyên gia nghi ngại về tính khả thi. TS. Vũ Hồng Thanh, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất, nên cân nhắc để có lộ trình thích hợp.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét hạ lãi suất cho vay ngay trong tháng 7
Nguồn: Vietnam+

Doanh nghiệp khấp khởi

Là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trực tiếp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm ngoái, hiện “công ty đang gần như bó cứng hoạt động”, ông Đoàn Thế Xuyên, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) cho hay. Nói “gần như” bởi lẽ khoảng 300 phương tiện với chừng ấy người lao động đã liên tục phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch, hiện công ty chỉ cố gắng cầm cự với khoảng 10% nhân lực. Tổng tài sản hàng trăm tỷ đồng “đắp chiếu”, đồng nghĩa doanh thu không có, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng chừng 2 tỷ đồng. “Công ty như người bệnh đã bị rút ống thở, chỉ còn thoi thóp”, ông Xuyên ví von.

Trong bối cảnh ấy, thông tin lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong tháng 7 này khiến ông Xuyên cảm thấy như “có thêm nguồn oxy để duy trì sự sống”. “Có thể là chậm nhưng chậm còn hơn không, được đồng nào hay đồng ấy”, ông khấp khởi.

Cũng giống ông Xuyên, bà Chu Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hồng (Hưng Yên) hồ hởi khi đón nhận thông tin ngân hàng xem xét sẽ hạ lãi suất cho vay trong tháng 7. Bởi lẽ, trước khi có dịch Covid-19, mỗi tháng, công ty xuất khẩu chừng 50 container hương nhang sang Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản… với giá trị trên 20 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong nửa đầu năm nay khiến số lượng hàng xuất đi giảm, chỉ còn 4 - 5 container/tháng, tương ứng doanh thu giảm 90%. Trong khi đó, công ty vẫn phải duy trì hoạt động, từ tiền điện, nước, tiền lương công nhân, thêm gánh nặng 200 triệu tiền lãi ngân hàng mỗi tháng khiến bà Nguyệt như “ngồi trên đống lửa”. “Tôi chờ mong tin hạ lãi suất từ mấy tháng nay, giờ đã sắp thành hiện thực”, bà Nguyệt thở phào.

Việc các doanh nghiệp hồ hởi trước thông tin ngân hàng xem xét giảm lãi suất ngay trong tháng 7 là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, dịch bệnh diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020, đặc biệt trong nửa đầu năm nay khiến doanh nghiệp càng thêm suy kiệt dòng tiền. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó số doanh nghiệp thành lập mới là hơn 67.000.

Tại cuộc họp trực tuyến để bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19 mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ rõ, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng cũng như toàn bộ nền tài chính quốc gia. Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này.

“Có thể giảm ngay trong tháng 7”

Trái ngược với tâm lý khấp khởi của doanh nghiệp, giới chuyên gia lại tỏ ra thận trọng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: Lãi suất thấp là con dao 2 lưỡi, có thể làm tăng khả năng vay mượn của người dân vào mục đích đầu cơ bất động sản, nguy cơ tạo ra bong bóng và khi vỡ sẽ gây hệ luỵ lớn đối với nền kinh tế. Nhìn vào tình trạng “sốt đất” khắp cả nước thời gian qua có thể thấy, mối lo khi lãi suất giảm không phải không có cơ sở.

Cũng theo ông Hiếu, trong bối cảnh đang phải đối diện với nhiều bất ổn do dịch bệnh khiến nhiều ngành nghề gặp khó khăn, xuất nhập khẩp bị gián đoạn, chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí đầu vào không ngừng tăng…, trong khi hệ thống tài chính chưa có sự ổn định, Việt Nam khó kéo lãi suất đi xuống. Thay vào đó, “nên để thị trường tự điều chỉnh”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Vũ Hồng Thanh, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, mối lo khi hạ lãi suất cho vay khiến nguồn tiền đổ vào các kênh khác như bất động sản có thể xảy ra. Tuy vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, việc hạ lãi suất “vẫn rất cần thiết”. Song theo ông Thanh, việc áp dụng ngay trong tháng 7 sẽ khó bởi còn ảnh hưởng đến kế hoạch của các ngân hàng.

“Chúng ta nên có lộ trình, có thể thực hiện giảm lãi suất cho vay vào cuối quý III.2021 và phải đánh giá để đưa ra mức hợp lý (nên ở mức 0,05%) nhằm tốt cho cả ngân hàng, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế”, ông Thanh nói. Trong lúc chờ giảm lãi suất theo lộ trình, ông Thanh cho rằng các ngân hàng cần đẩy mạnh thực hiện việc khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Muốn vậy, phải rà soát, phân loại ngành nghề để có cách làm phù hợp.

Trái lại, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng các ngân hàng “có thể xem xét hạ lãi suất cho vay ngay trong tháng 7”. Bởi lẽ, “dù chỉ đạo của NHNN không mang tính mệnh lệnh song các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nhiều sẽ đồng thuận cao và thực hiện ngay, còn giảm bao nhiêu phải phụ thuộc tình hình tài chính của từng ngân hàng”, ông Độ tin tưởng.

Thừa nhận việc hạ lãi suất có thể khiến dòng tiền đổ vào các kênh khác song ông Độ cho rằng đây không phải là vấn đề chủ đạo, chỉ là hiệu ứng phụ. “Hiện, doanh nghiệp đang rất khó khăn vì dịch bệnh nên sẽ thận trọng trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa cầu tín dụng giảm và ngân hàng giảm lãi suất là tất yếu. Điều này không có nghĩa lãi suất huy động sẽ giảm theo vì nợ xấu có xu hướng tăng dần, các ngân hàng sẽ phải tính đến chuyện huy động vốn để phòng xa cho tương lai. Ngay cả khi lãi suất huy động giảm khiến dòng tiền đổ vào ngân hàng ít đi thì cũng phải chấp nhận, bởi lúc này cứu doanh nghiệp bằng cách hạ lãi suất cho vay vẫn quan trọng hơn cả”, ông Độ nhấn mạnh.

Hiện, việc hạ lãi suất cho vay đang được xem xét. Dù chưa có quyết định cụ thể về thời gian cũng như mức hạ song rõ ràng, trong lúc doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh rất cần sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng. Nói như TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây còn là “đạo lý kinh doanh”, bởi trước đó, giai đoạn 2011 - 2015, khi ngân hàng gặp khó khăn, nợ xấu tăng cao, doanh nghiệp, người dân đã chịu nhiều thiệt thòi để cùng với ngân hàng vượt qua khủng hoảng!

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh