Đầu tuần qua, Tổng thư ký NATO De Hoop Scheffer đã lên tiếng phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa mới tại Châu Âu của Mỹ. Mặc dù thừa nhận các thành viên NATO cần phải được bảo vệ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, nhất là của các nước mà họ cho là “bất trị” như CHDCND Triều Tiên hay Iran, nhưng ông Scheffer cho rằng việc triển khai một hệ thống như đề xuất của Mỹ sẽ gây chia rẽ lớn trong các nước Châu Âu nói riêng và NATO nói chung.

Mỹ đề xuất đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa tại các căn cứ trên lãnh thổ Cộng hòa Séc và Ba Lan, và trạm ra đa cảnh báo sớm trên dãy Kavkaz, với lý do cần phải tăng cường khả năng phòng thủ cho các đồng minh Châu Âu trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ các quốc gia “bất trị”, chứ không phải các cường quốc như Nga hay Trung Quốc.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng đây là một biện pháp để răn đe Nga, nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong nửa thập kỷ qua, và bắt đầu có tiếng nói lớn trở lại trong các vấn đề ở Châu Âu cũng như đang có ảnh hưởng lan tỏa mạnh trong các khu vực vốn thuộc sự chi phối của Mỹ như Trung Đông. Nhận định này xuất phát từ thực tế là đề xuất của Mỹ chỉ có thể bảo vệ khu vực Đông Âu, nhưng lại không bảo vệ được khu vực Đông Nam Âu, nơi có nguy cơ tấn công nhiều nhất với năng lực của Iran và Bắc Triều Tiên. Nga- đối tác và cũng là đối thủ chiến lược của cả EU lẫn NATO, không chỉ phản đối mà thẳng thừng tuyên bố sức mạnh của hệ thống tên lửa đạn đạo của Nga thừa sức vượt qua “bức tường” này.
Sự thật về khả năng che phủ của hệ thống được đề xuất trên cũng được ông Scheffer viện dẫn để phàn nàn đề xuất của Mỹ. Tổng thư ký NATO cho rằng bất cứ sáng kiến nào cũng phải phục vụ an ninh của tất cả các thành viên NATO và tổ chức này không nên có thành viên “hạng A” và “hạng B”. “Hạng A” ám chỉ một số nước Đông Âu mới gia nhập EU trong thời gian qua có xu hướng thân Mỹ, được Mỹ sử dụng như đối trọng với các nước Tây Âu và với Nga, và được Mỹ “ưu ái” hơn trong kế hoạch phòng thủ của mình.
Trước khi có tuyên bố của ông Scheffer, lãnh đạo một số nước Tây Âu cũng đã tỏ ý nghi ngờ kế hoạch của Mỹ trong khi các nước “EU mới” như Ba Lan, Séc… lại rất hưởng ứng ý tưởng này. Điều này chắc chắn phải làm cho lãnh đạo NATO lo lắng bởi tổ chức này cũng đã rất chia rẽ trước vấn đề nghĩa vụ của NATO tại Afghanistan. Cho đến nay, nhiều nước NATO vẫn cho rằng Mỹ đã đặt NATO trước “sự đã rồi” khi đơn phương cùng một số đồng minh thân cận tấn công nước này không cần ý kiến của NATO, nhưng khi sa lầy tại đây lại viện tới tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này. Và ông Scheffer hoàn toàn có cơ sở để lo ngại khi một lần nữa hành động đơn phương của Mỹ lại đặt NATO trước nguy cơ chia rẽ sâu sắc vì bản thân NATO cũng đang có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường của mình tại Châu Âu vào năm 2010 với tầm phòng thủ ngắn nhưng lại được triển khai khắp Châu Âu để đảm bảo mọi thành viên đều được bảo vệ.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng thống Pháp Chirac cũng từng cảnh báo kế hoạch của Mỹ sẽ tạo ra chia rẽ Đông – Tây ngay trong EU, giống như chia rẽ Đông – Tây trên toàn Châu Âu thời kỳ Chiến tranh lạnh và gây căng thẳng không cần thiết với Nga. Một lần nữa, chủ trương “đa phương khi cần thiết, đơn phương khi có thể”, vốn là truyền thống trong chính sách đối ngoại của Mỹ, lại gây rắc rối cho chính những đồng minh của nước này.
Minh Trâm
Theo AFP, Finanical Times