Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em

- Thứ Hai, 19/10/2020, 12:42 - Chia sẻ
Là chủ đề của Phiên thảo luận do Bộ Tư pháp, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức tại Hà Nội, ngày 19.10. Đây là một trong nhiều hoạt động hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam 9.11. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller đồng chủ trì Phiên thảo luận.

Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của Việt Nam. Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của một nước có trình độ phát triển thấp thì những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian quan là rất đáng ghi nhận, đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, so với mục tiêu, kỳ vọng thì còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhận thức, hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em chưa đầy đủ dẫn đến hành động không tương xứng hoặc thực thi chính sách pháp luật về trẻ em chưa hiệu quả.

Cần khảo sát nhu cầu pháp luật của trẻ em 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật , Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Để góp phần tăng cường bảo vệ trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện, ông Nguyên đề xuất tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về  trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm, thực hiện các quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định. Đồng thời, đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp, gần gũi, thiết thực với cuộc sống hằng ngày của cha, mẹ, giáo viên, trẻ em, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ…

Phối hợp liên ngành hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho trẻ em

Tại phiên thảo luận, đại diện của nhiều bộ, ngành địa phương đều cho rằng, bên cạnh các hoạt động phối hợp mang tính lâu dài như hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam thì rất cần phải nhanh chóng phối hợp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Góp ý vào quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti đề nghị, Việt Nam nên sửa đổi Bộ luật Hình sự để bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, đều bị xử lý hình sự. Ngoài ra, cần sửa độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi để thúc đẩy bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ. Tán thành với Đại sứ Aliberti, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller cho rằng, cần nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, đi cùng với đó là thay đổi các chuẩn mực xã hội lạc hậu, khuyến khích trẻ em thực hiện quyền của mình.

Phạm Hải