Nâng cao năng lực truyền thông cho giới trẻ

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 06:17 - Chia sẻ
Đầu tuần này, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Học viện Báo chí và Tuyên truyền về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Một trong những nội dung được quan tâm là làm sao nâng cao khả năng sử dụng mạng xã hội của giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng.
	Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội. Nguồn: ITN
Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội.
Nguồn: ITN

Internet và mạng xã hội đã mang lại những lợi ích không thể phủ nhận trong kết nối quan hệ, xây dựng các diễn đàn xã hội và chia sẻ thông tin. Thế nhưng, chúng cũng mang lại những vấn đề, hệ lụy không dễ giải quyết. Tính chất hai mặt của mạng xã hội khiến nó “vừa là bạn vừa là thù”. Mạng xã hội được ví như biển thông tin mà nếu không có kiến thức, kỹ năng sử dụng, giới trẻ sẽ mất định hướng thông tin, lạc lối trong ma trận thông tin sai lệch.

Tại buổi làm việc, TS. Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, trong khi mạng xã hội phát triển nhanh chóng thì các thông tin hướng dẫn, định hướng hành vi sử dụng cho giới trẻ chưa đầy đủ. Không chỉ tạo ra những tác động trái chiều với người sử dụng, mạng xã hội còn là môi trường mà trẻ em bị xâm hại. Nghiên cứu của UNESCO cho thấy, những trẻ em bị bắt nạt trực tuyến có nguy cơ sử dụng rượu bia, các chất kích thích và bỏ học cao hơn các trẻ em khác.

Theo báo cáo của We Are Social, đến tháng 1.2021, Việt Nam có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, thời gian sử dụng trung bình mỗi ngày là 2 giờ 21 phút. Sự phát triển phức tạp của mạng xã hội hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực truyền thông cho giới trẻ. Khi tin giả, thông tin sai lệch nở rộ trên mạng xã hội như nấm sau mưa, đặc biệt cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, giới trẻ cần có khả năng tự bảo vệ bản thân, biết phân biệt phải trái, đúng sai, không chia sẻ, phát tán những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng. Giới trẻ cần được bồi dưỡng, huấn luyện để biết cách sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, có trách nhiệm và có đạo đức.

Để làm được như vậy, việc tăng cường phát triển tư duy phản biện cho giới trẻ thông qua các chương trình huấn luyện kỹ năng sống là giải pháp quan trọng. Giáo sư Sonia Livingstone, Đại học Kinh tế London đề cao năng lực phản biện khi cho rằng, nếu người dùng tiếp cận thông tin nhưng không có tư duy phân tích, phản biện thì sự tiếp cận đó không thực chất và không có ý nghĩa. Tư duy phản biện cần gắn liền với các kiến thức, hiểu biết về phương thức vận hành của các hệ thống truyền thông, bao gồm các mạng xã hội.

Những cơ sở giáo dục báo chí - truyền thông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực truyền thông cho giới trẻ. Tuy nhiên, hoạt động bồi dưỡng, huấn luyện năng lực truyền thông không chỉ diễn ra trong nhà trường và không chỉ hướng tới những sinh viên báo chí - truyền thông. Năng lực truyền thông là kết quả của quá trình học tập suốt đời để giới trẻ biết cách sử dụng mạng xã hội vì sự phát triển của bản thân với sự hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy của các cơ sở giáo dục.

Một trong những giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được xác định là “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên nâng cao khả năng tự bảo vệ trước những thông tin tiêu cực, độc hại trên mạng”. Năng lực truyền thông sẽ được nâng lên thông qua quá trình giới trẻ tiếp cận, sử dụng các phương tiện truyền thông nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội sẽ đạt được hiệu quả thực chất khi giới trẻ trở thành những người dùng thông minh. Xét như vậy để thấy rằng, việc nâng cao năng lực truyền thông cho giới trẻ chính là giải pháp từ gốc để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thông tin một cách bền vững, đồng thời giúp giới trẻ nâng cao sức đề kháng, khả năng miễn dịch trước những thông tin sai trái, hỗn loạn trên mạng xã hội.

TS. Vũ Thanh Vân