Ngày 16.8, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đồng chủ trì hội thảo quốc tế về quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về dữ liệu và thống kê trong nước và quốc tế, nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khả thi và thực hiện các ứng dụng hiệu quả, từ đó nâng cao giá trị dữ liệu và tăng cường hiểu biết về hệ sinh thái dữ liệu cho các cơ quan quản lý dữ liệu của các bộ, ngành và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.
“Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thảo luận về quản lý, quản trị và giám hộ dữ liệu: Chính phủ Việt Nam đã xác định về vai trò quan trọng của dữ liệu trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng; thống nhất với quan điểm của Liên Hợp Quốc về “Dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”.
Ngay từ năm đầu tiên của thập kỷ này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn xây dựng hệ thống dữ liệu, thực hiện chuyển đổi số như Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân đang thực hiện và thích nghi với yêu cầu về thiết lập hệ sinh thái dữ liệu, quản trị dữ liệu. Trong tiến trình này, các cơ quan, doanh nghiệp cần được chia sẻ, hỗ trợ về kinh nghiệm triển khai và cam kết đồng hành giữa các cơ quan để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo quy định tại Luật Thống kê của Việt Nam cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia, sự tham gia và vai trò của cơ quan thống kê quốc gia trong quản trị và giám hộ dữ liệu đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao chất lượng của dữ liệu và thống nhất sử dụng nguồn dữ liệu quốc gia trong thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan nhà nước các cấp. Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong sản xuất thông tin thống kê đã và đang trở thành xu hướng trong công tác thống kê.
Tuy vậy, sử dụng dữ liệu hành chính trong công tác thống kê hiện nay còn gặp một số khó khăn, thách thức, như: nguồn dữ liệu hành chính được thiết lập ban đầu phục vụ chính cho công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành chứ không phải cho mục đích thống kê. Do vậy để khai thác và sử dụng trong công tác thống kê cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục hoàn thiện các dữ liệu hành chính để phục vụ sử dụng đa mục tiêu. Nhiều, bộ ngành chưa triển khai đồng bộ các cơ sở dữ liệu, chưa sẵn sàng kết nối thông tin với cơ quan thống kê.
“Với vai trò là cơ quan điều phối hoạt động thống kê, tổ chức hoạt động thống kê, Tổng cục Thống kê mong muốn, thông qua diễn đàn này, nhận được sự chia sẻ, đồng hành nhiều hơn nữa và hiệu quả hơn nữa của các bộ, ngành, cơ quan thống kê quốc gia, tổ chức quốc tế trong xây dựng, vận hành hệ thống quản lý hệ sinh thái, quản trị và giám hộ dữ liệu thống kê thời gian tới”, bà Hương nói.
Cần có cơ chế chia sẻ, trao đổi dữ liệu
Hội thảo "Quản lý hệ sinh thái dữ liệu, quản trị và giám hộ dữ liệu" do UNFPA hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Việt Nam xây dựng và sử dụng dữ liệu về dân số và phát triển có chất lượng phục vụ xây dựng và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời theo dõi tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”. Dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng công nghệ và các nền tảng truyền thông mới trong việc thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu, bảo đảm các chính sách, chiến lược và chương trình dựa trên bằng chứng nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), phụ trách văn phòng UNFPA tại Việt Nam trong thời gian Trưởng Đại diện UNFPA vắng mặt, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thống kê về tầm quan trọng của hội thảo này: “Chương trình Nghị sự 2030 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có các dữ liệu dân số chất lượng cao. Cam kết của chúng tôi là không để ai bị bỏ lại phía sau, có nghĩa là phải tính đến từng người để có thể tiếp cận mọi người, kể cả những người bị thiệt thòi nhất. Dữ liệu có chất lượng, đáng tin cậy, nhất quán và có thể so sánh được là một yếu tố quan trọng để biến điều này thành hiện thực”.
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Việt Nam cần có số liệu thống kê chất lượng, đáng tin cậy vừa làm cơ sở cho hoạch định chính sách, vừa là yếu tố căn bản để xây dựng, thực hiện triển khai, giám sát và đánh giá tiến trình đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Rémi Nono Womdim, những năm gần đây, Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cung cấp dữ liệu và thống kê quốc gia. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các dữ liệu phân tách, đặc biệt là theo các nhóm dân tộc thiểu số và theo độ tuổi, để hỗ trợ việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng.
Hơn nữa, việc sử dụng các dữ liệu thống kê hành chính, ví dụ như đăng ký, thống kê hộ tịch và dữ liệu lớn vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, thiếu phân tích sâu về các vấn đề dân số thông qua các nguồn dữ liệu khác nhau như tổng điều tra, các điều tra dựa trên dân số, dữ liệu hành chính, các dữ liệu không chính thống và dữ liệu lớn để có thể hiểu sâu hơn những nhân tố ảnh hưởng và quyết định tới biến động dân số. Cuối cùng là việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và các bên có liên quan ngoài chính phủ vẫn còn hạn chế do thiếu các quy định, quy chế cụ thể về chia sẻ và trao đổi dữ liệu.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan giới thiệu những kiến thức khái quát và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mỗi quốc gia liên quan đến chủ đề của hội thảo. Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến những vấn đề như số hóa, sử dụng nguồn dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn (Big data) và cơ chế chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan sở hữu dữ liệu quốc gia và giữa các bộ, ngành.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thảo luận những thách thức trong quản trị và giám hộ dữ liệu và xu hướng trong tương lai.