Nâng cao chất lượng hàng hóa của ngành mây, tre, lá

- Thứ Ba, 22/09/2020, 23:39 - Chia sẻ
Ngày 22.9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát triển ngành nghề mây, tre, lá với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và đông đảo nghệ nhân.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Việt Nam hiện có 896 làng nghề mây tre đan. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt gần 500 triệu USD, tăng trưởng trên 30% so với năm 2018. Sản phẩm mây, tre, lá của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước EU (chiếm 31,44%). Tiếp đến là thị trường Mỹ chiếm 19,5%; thị trường Nhật Bản chiếm 9,3%... Theo số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 200 triệu USD, tăng so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt khi các ngành nghề khác đang có mức tăng trưởng thấp hoặc tăng trưởng âm do dịch Covid - 19. Tuy nhiên, ngành nghề mây, tre, lá hiện đang gặp nhiều khó khăn như đầu vào nguyên liệu, chi phí sản xuất cao dẫn đến khó cạnh tranh với các đối thủ…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc tổ chức hội thảo sẽ giúp cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh cùng nhau ngồi bàn ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Những thông tin đề xuất sẽ được đưa vào đề án trình lên Chính phủ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức "sân chơi" dành riêng cho nghệ nhân và hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là hoạt động thiết thực tạo động lực phát triển ngành nghề mây, tre, lá.

Ngày 8.6 vừa qua, Hiệp định EVFTA đã được Quốc hội Việt Nam thông qua đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU. Theo đánh giá của các đại biểu: Đây là cơ hội để ngành mây, tre, lá tham gia sân chơi lớn với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó, việc hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, thuế suất về 0% sẽ buộc các đơn vị sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng mà các nước nhập khẩu dựng lên. Do đó, các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Thanh Bình