Mỹ: Au revoir, Thỏa thuận Khí hậu Paris

- Thứ Năm, 05/11/2020, 05:57 - Chia sẻ
Chỉ một ngày sau Ngày bầu cử, Mỹ đã chính thức rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris trong bối cảnh kết quả bầu tổng thống tiếp theo của nước này vẫn còn trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng”, chưa ngã ngũ.

Theo The New York Times, Mỹ thực tế muốn rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này từ rất lâu rồi. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ý định đó, tuy nhiên việc rút lui là một quá trình kéo dài. Vào 4.11.2019, ngày sớm nhất có thể theo quy định của Liên Hợp Quốc mà một quốc gia có thể bắt đầu quy trình rút lui cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nộp thủ tục giấy tờ để thực hiện ý định của Mỹ. Quy trình này tự động hoàn thành một năm sau đó. Vì vậy, tính đến sáng ngày 4.11, xứ sở cờ hoa đã chính thức không còn là một phần của nhóm các quốc gia cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050 hoặc muộn hơn.

Nguồn: ITN

Tổng thống Donald Trump từng phê phán Thỏa thuận Khí hậu Paris là “giết việc làm”, cho rằng nó sẽ “trừng phạt người dân Mỹ trong khi làm giàu cho những người gây ô nhiễm nước ngoài”. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, thỏa thuận không yêu cầu Mỹ phải làm bất cứ điều gì. Trên thực tế, nó thậm chí không phải là một hiệp ước mà thực chất chỉ là thỏa thuận không ràng buộc giữa các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau, chịu trách nhiệm cho việc gây ra biến đổi khí hậu để giảm lượng khí thải trong nước.

Thỏa thuận về cơ bản gắn kết cam kết phát thải tự nguyện của mọi quốc gia trong một diễn đàn duy nhất, với mong muốn các nước sẽ đặt ra các mục tiêu thậm chí khó khăn hơn theo thời gian. Nước Mỹ  dưới thời Tổng thống Barack Obama từng hứa sẽ giảm lượng khí thải khoảng 28% xuống dưới mức của năm 2005 vào năm 2025, nhưng tiến độ thực hiện mục tiêu đó đã dừng lại dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Hiện kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, nhưng ứng cử viên Joe Biden từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ tái gia nhập Thoải thuận Paris nếu trúng cử.

Mặc dù Mỹ rút nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn ở lại. Trong số 195 nước đã ký Thỏa thuận Paris vào tháng 12.2015, có tới 189 quốc gia tiếp tục chính thức thông qua hiệp định này. Ban đầu Nicaragua và Syria từ chối ủng hộ nhưng cuối cùng cả hai đều tham gia thỏa thuận.

Theo số liệu mới nhất, ngoài Mỹ, các quốc gia đã ký ban đầu nhưng chưa chính thức thông qua Thỏa thuận Paris là: Angola, Eritrea, Iran, Iraq, Nam Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen. Cho đến nay, không có quốc gia nào khác theo chân Mỹ. Có thời điểm Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro từng đe dọa làm như vậy nhưng sau đó ông đã đảo ngược hướng đi.

Ngọc Minh