Phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh

Mục tiêu rõ, hành động quyết liệt hơn

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 05:23 - Chia sẻ
Tại Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23.7, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, thành phố cần xác định mục tiêu rõ ràng trong việc phòng chống dịch, từ đó có giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn.
Toàn cảnh hội nghị
Ảnh: HMC

Quản lý khu phong tỏa chưa chặt chẽ

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, qua 15 ngày triển khai thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” để kiểm soát tình hình dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng, từ ngày 9.7 đến 06 giờ ngày 23.7, thành phố ghi nhận 40.255 ca nhiễm Covid-19; trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca. Các ca nhiễm phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.

Việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp thành phố phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng. Song, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, dù đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao, đa số là tại các khu phong tỏa. Điều này cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Thành phố cũng đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn do thành phố đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại; nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa. Các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa bảo đảm nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa bảo đảm công việc chuyên môn. Nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm.

TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Dù vậy, do chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên vẫn còn tình trạng giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.

Ngoài ra, việc thực hiện phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” tại doanh nghiệp còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Cụ thể, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia. Có tình trạng một số chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tập trung nguồn lực tiêm vaccine cho người dân

Trên cơ sở các kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc phát sinh; đồng thời thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22.7.2021 của Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1.8.2021 với các giải pháp mạnh hơn nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn. Đồng thời, kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Đặc biệt, thành phố thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn thành phố. Song song với đó, tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho các tầng lớp Nhân dân để thực hiện nghiêm và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Ủng hộ việc TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TU, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, thành phố cần xác định mục tiêu rõ ràng trong việc phòng chống dịch, là truy bắt F0 hay phòng chống dịch bệnh, từ đó có giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn. Tập trung truy vết, xét nghiệm nhanh vào các khu vực trọng tâm, trọng điểm nơi có dấu hiệu, triệu chứng để biến “vùng đỏ”, “vùng vàng” trở về “vùng xanh”.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các bệnh viện cần tăng cường nhân lực, cần “chia lửa” với nhau, có sự phân tầng, phân cấp, tránh để tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, khu dân cư. Việc tổ chức sản xuất cũng cần chú trọng, bảo đảm trong xí nghiệp được tổ chức sản xuất phải “xanh” và cần dừng ngay đơn vị nào không bảo đảm các yêu cầu phòng dịch. Ngoài ra, tăng cường giãn cách xã hội là cần thiết, song về lâu dài phải có biện pháp ứng phó với dịch bệnh, theo đó cần tập trung nguồn lực tiêm vaccine cho người dân cũng như thu hút nguồn lực để bảo đảm trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ việc điều trị.

Hiểu Lam