Mưa sao băng

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 09:07 - Chia sẻ
"Mẹ có biết điều ấy kỳ diệu thế nào không, nhất là khi Mặt Trời, Trái Đất, Sao Mộc, Sao Thổ thẳng hàng nhau sau 800 năm? Và khi nhìn sao băng, những thứ mình ao ước sẽ thành sự thật. Việc đi ngủ quan trọng thế sao? Ngày nào tụi mình chẳng ngủ...”.

Hôm trước có mưa sao băng, tôi buột miệng nói chuyện đó trước giờ đi ngủ. Con nhóc bật dậy và đề nghị tụi tôi cùng thức để chờ. Nhưng ngay cả google cũng không chỉ ra liệu ở Hà Nội thì có thể nhìn thấy sao băng không, và việc đó sẽ diễn ra vào mấy giờ? Nhìn ra trời đêm chỉ thấy nhà cao tầng và những ánh đèn hắt từ các ô cửa sổ. Tôi nói với nó các thứ khó khăn ấy, ngoài ra sáng mai nó thi nữa nên không thể đi học muộn, tôi thì thiếu ngủ - việc đợi sao băng có gì đó rất vô bổ và nhiều sự phiền. 

Nó bị tổn thương là sao tôi có thể nghĩ về sao băng như xem một chương trình ca nhạc như thế, kiểu như không tiện thì thôi. “Mẹ có biết điều ấy kỳ diệu thế nào không, nhất là khi Mặt Trời, Trái Đất, Sao Mộc, Sao Thổ thẳng hàng nhau sau 800 năm? Và khi nhìn sao băng, những thứ mình ao ước sẽ thành sự thật. Việc đi ngủ quan trọng thế sao? Ngày nào tụi mình chẳng ngủ...”.

Tôi hỏi thế nó định thế nào bây giờ? Nó bảo: “Chúng ta sẽ dẫn nhau ra cầu Thủy Tiên, chỗ ấy có thể nhìn cả vòm trời rất rộng. Con sẽ mang thêm bình trà nóng để mình uống trà và ăn bánh trong khi đợi. Mình dắt con cún theo vì biết đâu Khói cũng có mong ước gì đó”.

Tất nhiên, một người lớn tầm thường thì hiểu rằng việc nhìn thấy cái gì chẳng khiến những ước ao của mình thành sự thật. Và tôi cũng thấy khá ngại khi giữa đêm đông giá, đi ra cầu hun hút gió để đợi một thứ mà 99,9% là nó không đến (hoặc không nhìn thấy nó đến - tóm lại như nhau thôi). Nên tôi bèn hoãn bằng thứ dụ khị xấu xa: “Thì mình cứ ngủ tạm vì phải sau 2h sáng sao băng mới tới. Khoảng 1h30 mình dậy là vừa, như vậy sẽ tỉnh táo hơn là thức từ bây giờ!”.

Nguồn: ITN

Thế là nó tin tôi. Nó đồng ý. Tất nhiên khi chui vào chăn ấm, nó ngủ ngay. Tôi không đặt chuông báo thức. Thế là tụi tôi ngủ quên đúng như kịch bản. 

Sáng dậy nó không trách gì tôi, nó buồn và tiếc vì đã lỡ đi ngủ. 

Ừ nói đến điều 800 năm chỉ xảy ra một lần, tôi có tiếc không? Không chứ! Như tôi không tiếc việc mình chẳng bao giờ nhìn thấy hoa Ưu Đàm chỉ bởi cả ngàn năm loài hoa đó mới nở 1 lần. Như tôi không tiếc việc mình chẳng sống ở kỷ Jura để hàng ngày nhìn thấy bọn khủng long đi lại lộn xộn. Tiếc những điều xa xôi chẳng bao giờ chạm vào được, thì có mà tiếc suốt đời. Tôi tuy viển vông nhưng chẳng có tí ảo tưởng nào trong người, cái gì xác định là không liên quan đến mình thì tôi không cố. 

Nhưng tôi tiếc một cơ hội với con tôi. Nó nói đúng mà, chẳng lẽ việc đi ngủ và điều độ quan trọng vậy sao? Không thể có một ngày sống cuộc sống khác sao? Tụi tôi đã bao giờ thức trắng đêm với nhau để đợi điều gì đó từ mơ hồ xa xôi đến đâu? Chỉ có tôi thức trắng nhiều đêm ôm nó canh những cơn ốm sốt lúc bé, trắng đêm ấy chỉ toàn lo âu, xót ruột và kiệt sức. Vì sao tụi tôi không thể đi chơi trong khi bao người đang say ngủ? Con Khói sẽ chẳng phải mang xích và rọ mõm - nó được lăn lộn trên bãi cỏ đẫm sương như một con chó hoang. Tôi còn biết rõ con đường nào thơm mùi hoa hồng, vương vấn  hương hoa ban đang vào mùa, đường nào vẫn còn hoa hoàng lan cuối mùa - tôi có thể đi dạo cùng con qua những đoạn đường thơm tho ấy. Mỗi tối tôi đi bộ quần quật với bạn gái, đi đủ mọi ngóc ngách không chờ không hẹn miễn là đủ số bước để cuối buổi yên tâm là mình đã có hành vi thể dục. Chúng tôi nói chuyện suốt dọc đường, lần nào tôi cũng nhớ nó lúc đó đang ôm con chó ở nhà và thầm hẹn sẽ đưa nó đi lại những nơi tôi đã đi. 

Rồi tôi thử ghi ra danh sách ước mơ để lỡ một ngày nào đó có sao băng, tôi sẽ nhìn lên trời cao để ước thành hiện thực cùng nó. Đau khổ sao, tôi không biết điền gì vào danh sách ấy. Ước mơ liệu có phải là lời nguyện xin mỗi khi tôi đứng trước bàn thờ Phật. Xin cho những người thân yêu của tôi bình an mạnh khỏe; Gia đình bé nhỏ của tôi yên ấm, chúng tôi hài lòng với những gì mình có; Cho con nhóc được lớn lên thông minh, mạnh khỏe, hiếu thảo, xinh đẹp; Cho chúng tôi được cảm nhận hạnh phúc trong từng ngày sống của mình, trong mỗi việc mình làm...

Không, đó là cầu mong và nỗ lực sống, đó là đích đến của những bước đi hàng ngày. Thế tôi đã cất ước mơ ở đâu???

 Một người bạn bảo tôi, “cuối cùng, chúng ta cũng chỉ loay hoay sống! Kẻ bé mọn loay hoay kiểu bé mọn, người tầm vóc loay hoay kiểu tầm vóc - nhưng cuối cùng vẫn là làm mọi điều để loay hoay sống”.

Để được nhận ra, được nhắc đến, được hiện diện - là nhu cầu bậc cao, sau khi người ta đã hoàn thành phần loay hoay sống. Và nó thường truy đuổi người ta đến kiệt sức, như kẻ khát bạc. Đã mở đường thì phải đi hết đường và bị cùng đường. Rồi lại thấy các sự chán nó ập xuống mình không đỡ được. Cho đến khi tìm thấy đường mới để loay hoay mở, rồi lại đi hết đường...

Tôi hỏi con (thì tôi vẫn thường hỏi ý kiến một đứa trẻ con) : “Khi cuộc sống rất bẹp, khi mình rơi vào cơn chán, thì làm gì?”. Lúc đó nó đang nghịch dở, bèn quay sang ôm tôi dịu dàng: “Thì mình ngồi chờ nó qua thôi. Mình nhìn nó như cơn đau bụng do thức ăn, mẹ chẳng bảo cơ thể tự điều chỉnh hết để cuối cùng mình vẫn ổn”.

Ừ nhỉ, cơ thể chúng ta kỳ diệu lắm. Nó cân bằng những lộn xộn điên rồ. Nó chữa lành ốm yếu và những vết thương từ thể chất đến tinh thần. Nó vẫn tự âm thầm chữa lành và ôm lại mình, mà mình không nhận ra. Mỗi ngày ta mài mòn sức khỏe và năng lượng, để trong giấc ngủ cơ thể cần mẫn và nhẫn nại bù đắp và bảo dưỡng lại thứ ban ngày ta hoang tàng phung phí. Cơ thể mang cơn chán đến để ta nghỉ. Và cơ thể đẩy cơn chán đi để ta quay lại làm lụng và thiết tha sống. 

Tôi vẫn tin cơ thể cất Ước Mơ ở một góc nào đó bí mật. Rồi một ngày nào đó sớm thôi, khi tôi đủ an lành và hạnh phúc trong veo, khi tôi không còn bị những tham muốn và nỗi niềm loay hoay sống - Ước Mơ sẽ hiện ra, nhẹ như chùm hoa mỏng trên tay...

Quỳnh Hương